Hé lộ 5 chiêu trò mà các hãng sản xuất smartphone thường dùng

Để tăng khả năng cạnh tranh và kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các hãng sản xuất smartphone thường sử dụng một số chiêu trò quảng cáo như gian lận hiệu suất, phóng đại khả năng chụp ảnh…

1. Quảng cáo các phiên bản mà bạn không thể mua được

Trước đó không lâu, OnePlus đã giới thiệu phiên bản OnePlus 9 Pro 128 GB tại Bắc Mỹ với giá 969 USD. Tuy nhiên, sau đó công ty đã trì hoãn và hủy bỏ việc ra mắt sản phẩm, đổ lỗi cho các vấn đề liên quan đến chip. Điều này có nghĩa là người dùng sẽ phải tốn thêm 100 USD để mua phiên bản OnePlus 9 Pro 256 GB.

Theo Android Authority, OnePlus lại tiếp tục sử dụng chiêu trò này ở Ấn Độ bằng cách quảng cáo phiên bản Nord 2 với RAM 6 GB, bộ nhớ trong 128 GB, thế nhưng thực chất họ chỉ bán ra phiên bản RAM 8 GB.

2. Phóng đại khả năng chụp ảnh

Một chiêu trò quảng cáo khác thường được các hãng sản xuất smartphone sử dụng là tập trung vào các con số vô nghĩa. Ví dụ, vào năm ngoái Samsung đã giới thiệu tính năng Space zoom 100x trên Galaxy S20 Ultra. Tuy nhiên, thực tế là chất lượng hình ảnh cho ra ở mức zoom này rất tệ.
Samsung không phải là hãng sản xuất điện thoại duy nhất sử dụng chiêu trò này.
Xiaomi cũng giới thiệu tính năng zoom kỹ thuật số 120x trên Mi 10 Ultra, một lần nữa, chất lượng hình ảnh cho ra cực kì tệ. Có cảm giác như công ty gắn thêm thông số này chỉ để cạnh tranh với Samsung về khả năng chụp ảnh.

Bên cạnh đó, các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc còn tập trung giới thiệu công nghệ sạc nhanh 100-120 W. Điều này sẽ giúp giảm thời gian sạc đầy pin xuống chỉ còn 20 phút, tuy nhiên, tốc độ sạc quá nhanh sẽ khiến sức khỏe của viên pin bị ảnh hưởng rất nhiều.

3. Đề cao việc đầu tiên hoặc tốt nhất

Sony là một trong những hãng sản xuất smartphone sử dụng thuần thục chiến thuật này trong nhiều năm qua. Ví dụ như hãng từng tuyên bố rằng Xperia Z2 là mẫu điện thoại được tích hợp camera tốt nhất thế giới cùng khả năng chống nước.

Ngoài ra còn có Realme, hãng này cũng tự hào về việc ra mắt mẫu điện thoại Realme 8i sử dụng chipset Helio G96 đầu tiên tại Ấn Độ, rõ ràng nhưng thông tin như vậy không có ý nghĩa gì.

4. AI (trí tuệ nhân tạo) được thêm vào ở tất cả mọi nơi

Một trong những chiêu trò quảng cáo khá phản cảm là thêm chữ “AI” vào tên của mọi tính năng, từ phần cứng cho đến phần mềm.

Các hãng sản xuất đều nhấn mạnh rằng AI sẽ giúp camera nhận dạng khung cảnh và đối tượng thông minh hơn, tuy nhiên, thực tế là những tính năng này không có gì mới mẻ.

Ví dụ, Asus quảng cáo tính năng AI charging (sạc AI) sẽ giúp tự động điều chỉnh tốc độ sạc của điện thoại dựa trên thói quen của người dùng. Trong khi đó, các thương hiệu điện thoại khác chỉ đơn giản gọi tính năng này là sạc thông minh.
Khi ra mắt Zenfone 5Z vào năm 2018, Asus đã giới thiệu hàng loạt tính năng có AI, đơn cử như AI charging, AI Boost (tính năng cải thiện hiệu suất), AI Scene (nhận dạng cảnh), AI Ringtone (điều chỉnh âm lượng nhạc chuông dựa trên tiếng ồn xung quanh) và AI Photo Learning (chỉnh sửa được đề xuất).

Một số hãng khác như OPPO, vivo, Xiaomi, LG… cũng quảng cáo tính năng AI face unlock (mở khóa bằng khuôn mặt) hay AI portrait (chụp chân dung thông minh).

5. Gian lận hiệu suất

Ví dụ nổi bật nhất về điều này là việc Apple cố tình làm chậm hiệu suất của iPhone, đối với những thiết bị có pin đã xuống cấp. Tương tự, OnePlus cũng bị phát hiện cố tình hạn chế khả năng của bộ vi xử lý Snapdragon 888 để tiết kiệm pin.

Sau khi AnandTech công bố báo cáo của mình, GeekBench, một trong những công cụ phổ biến để đo điểm chuẩn, đã hoàn thành một cuộc điều tra riêng và xóa OnePlus 9, OnePlus 9 Pro khỏi bảng xếp hạng.

Công ty cho biết: “Thật đáng thất vọng khi thấy các mẫu smartphone của OnePlus điều chỉnh hiệu suất dựa trên ID ứng dụng hơn là hành vi ứng dụng, chúng tôi xem đây là một hình thức thao túng điểm chuẩn”.

(Theo Pháp luật TP.HCM)
0 Nhận xét