(KTSG Online) – Rất nhiều hiệp hội ngành nghề đã lên tiếng về nguy cơ gãy đổ chuỗi cung ứng khi tình trạng suy thoái trong sản xuất của Việt Nam trầm trọng hơn trong tháng 8. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng ranh giới từ nguy cơ đến thực tiễn đang rất mong manh nếu không có những giải pháp hay hành động kịp thời.
Dấu hiệu gãy đổ đã xuất hiện
Thủy sản là một lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam nhưng mới đây đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trước mắt. Theo khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), hiện có trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại ĐBSCL và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông TPHCM đóng cửa. Đường đi của hàng hóa, con giống, nguyên phụ liệu gặp khó khăn khiến cho nhà máy giảm khoảng 70% công suất chế biến. hoạt đọng trì trệ như hiện tại thì nguy cơ mất đơn hàng là rất lớn.
Một số công ty ngưng hoạt động tại ĐBSCL đang chuyển hàng từ kho dự trữ để trả dần đơn hàng cho đối tác. Tính đến nay, hầu hết doanh nghiệp chế biến đều đã cạn cả nguyên liệu và thành phẩm trong kho nên đã dừng hoàn toàn.
Các doanh nghiệp thủy sản đang bị thu hẹp sản xuất vì chuỗi cung ứng tắc nghẽn. Ảnh minh họa: DNCC |
Đây không phải là câu chuyện riêng của ngành thủy sản mà cả dệt may, da giày, nông sản cũng cho biết đang đối diện với nguy cơ này. Việc siết chặt hơn giãn cách xã hội đã khiến cho sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm đều giảm nhanh hơn trong tháng vừa qua.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã chia sẻ những thách thức của chuỗi sản xuất dệt may trong nước, khi nhiều doanh nghiệp đóng tại các trung tâm sản xuất dệt may lớn ở phía Nam, vốn chiếm tới 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phải tạm dừng sản xuất.
Sau một thời gian sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp dệt may đã không thể trụ nổi. Chi phí duy trì sản xuất tăng quá cao, trong khi năng suất thấp, áp lực lo ăn, ở, quản lý người lao động khiến nhà máy buộc phải dừng sản xuất.
“Có những doanh nghiệp sở hữu 19 nhà máy đã phải chấp nhận dừng toàn bộ vì không thể tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”. Chỉ những doanh nghiệp trong ngành sợi, dệt nhuộm với đặc thù ít lao động, máy móc hỗ trợ nhiều mới có thể duy trì “3 tại chỗ” hiệu quả, còn ngành may đông lao động, có nhà máy vài chục ngàn công nhân, áp dụng phương án sản xuất này thì không khả thi”, ông Giang cho biết.
Đứt gãy nguồn cung của các tỉnh phía Nam lúc này đang là thách thức cực kỳ lớn với toàn ngành dệt may, trước hết là áp lực giao hàng cho các nhãn hàng.
Theo ông Giang, dệt may là ngành thời trang, nếu không giao hàng đúng vụ, thiết kế đó sẽ không còn giá trị về mẫu mốt nữa. Trong khi sức mua hàng thời trang toàn cầu của các nước lớn như Mỹ, EU đang tăng 16-17% so với cùng kỳ, có những mặt hàng tăng 30%, nhưng doanh nghiệp không giao hàng kịp thì rủi ro không thể đong đếm nổi.
Dệt may, da giày, thủy sản… là những ngành đóng góp lớn cho xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho hơn chục triệu lao động. Vì thế, Chính phủ cần đánh giá thực trạng các ngành công nghiệp, có chính sách phân bổ vaccine, ưu tiên cho những ngành có đóng góp lớn để sớm khôi phục sản xuất.
Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng đảo chiều
Đứt gãy chuỗi cung ứng và những hạn chế trong thực thi chính sách an xã hội là hai ‘rào cản’ gây ảnh hưởng tới quá trình thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, theo một báo cáo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ngày 1-9, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã gửi đến Chính phủ, các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương bản báo cáo khuyến nghị chính sách khẩn cấp (mang tính ngắn hạn) nhằm tháo gỡ vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng và đảm bảo an sinh xã hội, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu tư vấn chiến lược và chính sách kinh tế xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tập hợp các nhà khoa học của trường để đánh giá thực trạng, từ đó xây dựng bản báo cáo khuyến nghị này.
Với vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, nhóm nghiên cứu cho biết việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại nhiều địa phương, cùng mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 điểm đến” cứng nhắc đã tạo ra rủi ro về chi phí và lây lan dịch bệnh với doanh nghiệp, do điều kiện vật chất để đáp ứng ăn – nghỉ tại chỗ không được thiết kế từ đầu.
Ngoài ra, nhiều người lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng đang bị phong tỏa, không thể đến nơi làm việc. Điều này, theo nhóm chuyên gia, làm đứt gãy nguồn lao động.
Bên cạnh đó, biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm khác nhau về “hàng hóa thiết yếu” giữa các địa phương khiến lưu thông hàng hoá bị cản trở, dẫn đến chuỗi cung ứng đứt gãy hàng loạt. Đơn cử, chuỗi cung ứng hàng chế biến chế tạo bị đứt gãy cung lao động, nguyên liệu. Còn chuỗi cung ứng thuỷ sản, nông sản đứt gãy lao động, thị trường, vận chuyển.
Với vấn đề an sinh xã hội, nhóm nghiên cứu cho biết việc thực thi chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cụ thể, nhiều lao động buộc phải nghỉ việc hoặc phải thỏa thuận ngừng việc, giãn việc nhưng không được hưởng chế độ kịp thời do các quy định hành chính không thể thực hiện trong thơi gian áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly.
Ngoài ra, nhiều người chưa tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm nên không nằm trong nhóm được hỗ trợ của Nghị quyết 68 hay Quyết định 23. Thêm vào đó, nhiều lao động phi chính thức đã mất hoàn toàn sinh kế tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 hoặc 16+ nhưng không thuộc các đối tượng được hỗ trợ.
Đặc biệt, nhiều lao động vẫn chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm dù đang phải điều trị, cách ly do nhiễm Covid-19 vì lý do thủ tục. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 điểm đến” đã ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm lý, sức khỏe của người lao động.
“Điều kiện sinh hoạt, môi trường lao động không đảm bảo, mất an toàn vệ sinh lao động khiến các nhà máy có nguy cơ bị khách hàng yêu cầu đánh giá lại về tính tuân thủ và điều kiện làm việc. Đồng thời đối mặt với nguy cơ phải tăng giờ làm và vi phạm số giờ tăng ca theo quy định”, nhóm nghiên cứu cảnh báo.
Với những khó khăn đã nêu, nhóm nghiên cứu cho biết một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng đã có sự đảo chiều trong tháng 8-2021. Cụ thể, tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm 2%, trong đó khu vực phía Nam ghi nhận mức giảm hơn 5,6%. Tương tự, ngành chăn nuôi và thủy sản lần lượt ghi nhận mức giảm 3,8% và 7,4% trong tháng 8.
Tăng trưởng tháng 8 của ngành công nghiệp giảm 4,2% so với tháng 7 và giảm 7,4% so với cùng kỳ, kéo lùi từ mức 8,36% xuống còn 5,6%.
Còn chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam đã giảm còn 40,2 điểm trong tháng 8 so với 45,1 điểm của tháng 7. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này sụt giảm. Điều này, theo nhóm nghiên cứu, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4-2020.
Giải pháp an sinh xã hội cần được cải thiện để đảm bảo mục tiêu kép. Ảnh: Lê Vũ. |
Đề xuất bỏ quy định hàng hóa thiết yếu và thay thế cơ chế “luồng xanh”
Đề xuất giải pháp tháo gỡ vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, nhóm nghiên cứu cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đảm bảo vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu sản xuất được thông suốt. Các cơ quan chức năng nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay bằng quy định các hàng hoá, dịch vụ không được phép lưu hành.
Ngoài ra, cơ chế “luồng xanh” cũng được thay bằng việc cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe với các điều kiện, gồm: đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ; không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương.
Ngoài ra, không nên bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra do các trạm kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương.
“Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi”, nhóm nghiên cứu đề xuất.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, các địa phương nên cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn cũng như cho phép những người này được tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư. Đẩy nhanh việc tiêm vaccine tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với nhân lực logistics, sản xuất, và dân cư toàn xã hội…
Cân nhắc nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm
Với điểm nghẽn an sinh xã hội, ngoài lưu ý Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, nước, viễn thông…, nhóm nghiên cứu đã đề xuất tạm dùng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư như quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ công đoàn…đề hỗ trợ các đối tượng cần. Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét tiếp tục lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 sau cả thời điểm 31-12-2021.
Bên cạnh đó, nhóm cho rằng nên cân nhắc nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài. Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết mức hỗ trợ trung bình của mỗi đối tượng được hỗ trợ ở Việt Nam cao hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực (trừ Mông Cổ và Thái Lan – PV), nhưng các khoản trợ giúp xã hội cho lao động mất việc làm và trợ cấp tiền lương còn khiêm tốn so với mức thu nhập của họ.
Nhóm cũng khuyến nghị các địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động tự do, người di cư không có chỗ ở ổn định để kịp thời hỗ trợ về chỗ ăn, ở… Triển khai rộng các ‘siêu thị 0 đồng’ trong các khu cách ly, phong tỏa để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, tối thiểu của người dân.
Ngoài ra, nhóm cũng đề xuất các bộ, ngành xem xét giảm, miễn thuế với các cơ sở kinh doanh lưu trú, cho thuê căn hộ. Đồng thời, tham gia vào việc bố trí chỗ ăn ở cho người lao động, người bị lưu lại trên địa bàn mà không có nơi ở ổn định thông qua giảm tiền thuê nhà.
Để giúp người lao động sớm được thụ hưởng các chính sách, nhóm đề xuất các cơ quan bảo hiểm cần tháo gỡ thủ tục giúp dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ; thanh toán nhanh bảo hiểm y tế, đơn giản hoá các thủ tục liên quan đến người lao động khi dùng quỹ ốm đau, thai sản khi phải nghỉ việc do nhiễm Covid-19.
V.Dũng - H.Thắng