Ngân hàng buộc phải mạnh tay giảm lãi suất cho vay?

(KTSG) – Ngoài việc nhằm hỗ trợ khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì trong bối cảnh thanh khoản dồi dào trở lại nhưng tín dụng lại rơi vào trì trệ khi nhu cầu vay vốn của khách hàng đang suy yếu, việc giảm lãi suất cho vay được xem là chính sách kích thích hoạt động tín dụng của các ngân hàng.
Chính sách giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã được thực hiện nghiêm túc hơn trong những tháng qua. Ảnh: N.K

Giảm lãi suất cho vay đã thực chất hơn


Sau đợt giảm lãi suất cho vay vào giữa tháng 7, mới đây các ngân hàng tiếp tục mạnh tay giảm để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt tập trung ưu tiên các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, với mức giảm từ 0,5-1 điểm phần trăm/năm. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, thị trường đã chứng kiến hai đợt giảm lãi suất cho vay tại một số ngân hàng, với tổng mức giảm có thể lên đến 1-2 điểm phần trăm/năm.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, với lãi suất vay vốn thấp nhất chỉ từ 4%/năm. Đi đầu vẫn là nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) gốc quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV, vốn có nền tảng cơ sở khách hàng rất lớn và trải rộng, cũng như tiềm lực tài chính và lợi nhuận luôn thuộc tốp đầu hệ thống.

Không loại trừ khả năng nhóm NHTM tư nhân sẽ tiếp bước theo sau trong thời gian tới, khi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành công văn về việc thực hiện giảm lãi suất cho vay và miễn phí dịch vụ ngân hàng, đồng thời cho biết sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất tại các ngân hàng, để xem nó có thực chất hay không, từ đó làm cơ sở xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.

Có thể thấy rằng chính sách giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã được thực hiện nghiêm túc hơn trong những tháng qua. Cùng với đó, chính sách cơ cấu nợ cũng được đẩy mạnh hơn khi khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.

Điều kiện tốt để giảm lãi suất


Ngoài việc nhằm hỗ trợ khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì trong bối cảnh thanh khoản dồi dào trở lại nhưng tín dụng lại rơi vào trì trệ khi nhu cầu vay vốn của khách hàng đang suy yếu, việc giảm lãi suất cho vay được xem là chính sách kích thích hoạt động tín dụng của các ngân hàng.

Ngoài nguồn vốn huy động qua kênh phát hành trái phiếu của các ngân hàng và lượng thanh khoản tiền đồng khổng lồ được bơm qua kênh mua ngoại tệ của NHNN, hệ thống cũng chứng kiến một lượng lớn thanh khoản ròng từ các trái phiếu chính phủ (TPCP) đáo hạn trong những tháng qua.

Thống kê cho thấy trong tám tháng đầu năm nay, lượng TPCP đáo hạn lên tới 1.707.000 tỉ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ, trong khi lượng TPCP phát hành mới chỉ hơn 210.000 tỉ đồng. Với vị thế là nhà đầu tư chính trên thị trường TPCP từ trước đến nay, có thể thấy lượng vốn đầu tư vào TPCP đáo hạn quay trở lại các ngân hàng từ đầu năm đến nay là rất lớn, đặc biệt là trong ba tháng vừa qua.

Hiện trạng thanh khoản dồi dào phản ánh rõ nhất qua mặt bằng lãi suất trên thị trường vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng. Dữ liệu cập nhật từ NHNN đến 26-8 cho thấy lãi suất kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần đều đã rớt về dưới mốc 1%, cụ thể kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0,65%/năm, giảm 32 điểm cơ bản (bps) so với cuối tháng 7 và giảm đến 89 bps so với giai đoạn cao điểm cuối tháng 5. Tương tự, kỳ hạn một tuần giảm tương ứng là 58 bps và 91 bps, hai tuần giảm 40 bps và 84 bps, trong khi các kỳ hạn một tháng, ba tháng và sáu tháng cũng giảm đáng kể.

Diễn biến lãi suất giảm còn lan tỏa qua thị trường huy động từ dân cư, khi thanh khoản dồi dào, cùng với tăng trưởng huy động vốn nhanh trở lại do dịch bệnh làm tăng nhu cầu an toàn, cũng góp phần giúp các ngân hàng có động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi trở lại trong hai tháng qua. Xu hướng này đến lượt mình lại giúp các ngân hàng có thể ổn định chi phí vốn đầu vào, nếu không muốn nói là tiếp tục giảm được chi phí vốn, kéo theo hệ quả là có thêm điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Cứu doanh nghiệp là cứu lấy mình


Nếu như tình hình dịch bệnh có thể thúc đẩy dòng vốn tìm nơi trú ẩn an toàn ở kênh tiền gửi ngân hàng, thì ngược lại nó khiến hoạt động tín dụng trì trệ trở lại, như đã nhắc đến ở trên. Sau giai đoạn tăng trưởng cho vay hứng khởi trong những tháng đầu năm, mà đã khiến không ít ngân hàng sớm sử dụng hết hạn mức cho vay được phân bổ, kéo theo việc được NHNN tăng thêm chỉ tiêu tín dụng từ đầu quí 3, từ đó đến nay, các ngân hàng không thể tiếp tục đẩy mạnh cho vay, thậm chí có ngân hàng còn chứng kiến dư nợ sụt giảm trở lại.

Giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay cũng chính là cách mà các ngân hàng tự cứu lấy mình. Nếu không, rủi ro phá sản của khách hàng sẽ ngày càng tăng, khi đó các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Đây là hệ quả tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hiện nay.

Đáng lưu ý là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không chỉ giảm nhu cầu vay vốn, mà một số doanh nghiệp, hộ gia đình có vốn lưu động nhàn rỗi, thanh khoản dồi dào thậm chí còn gửi tiền ngược vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Diễn biến tăng trưởng tiền gửi của tổ chức tại các ngân hàng liên tục đi lên và cao hơn tăng trưởng tiền gửi của khách hàng cá nhân trong những tháng gần đây đã thể hiện xu hướng này.

Cho nên, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay cũng chính là cách mà các ngân hàng tự cứu lấy mình. Vì nếu gánh nặng tài chính quá lớn, khách hàng chậm phục hồi sản xuất, kinh doanh thì rủi ro phá sản sẽ ngày càng tăng, khi đó các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn gia tăng khó lường.

Đâu đó có một số ý kiến, đề xuất cho rằng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, ngân hàng lẽ ra nên tạm dừng thu lãi suất, chứ không chỉ đơn thuần giảm lãi suất. Cần nhắc lại rằng ngân hàng thực chất chỉ là tổ chức trung gian huy động vốn rồi đem cho vay. Cho nên, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay giãn cách xã hội, ngân hàng vẫn phải trả lãi suất cho các khoản tiền gửi của khách hàng. Do đó, việc miễn, giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn chỉ có thể được thực hiện trong một chừng mực nhất định.

Ngoài ra, nhìn vào con số lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng lên đến hàng ngàn tỉ đồng hay hàng chục ngàn tỉ đồng trong thời gian qua, một số người có thể đánh giá điều đó là phản cảm trước thực trạng khó khăn của nền kinh tế và các doanh nghiệp hiện nay. Dù vậy, nếu so với mức vốn chủ sở hữu của các ngân hàng cũng lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, rõ ràng hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng cũng chỉ ở mức khiêm tốn.

Thụy Lê
0 Nhận xét