Nguy cơ người dùng Microsoft Office bị tấn công mạng qua lỗ hổng mới trên Windows

Cảnh báo về lỗ hổng bảo mật nguy hiểm mới trong Microsoft Windows, Trung tâm NCSC khuyến nghị người dùng kiểm tra và có các biện pháp khắc phục nếu phiên bản Windows đang sử dụng có trong danh sách các phiên bản tồn tại lỗ hổng này.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT vừa cho biết, ngày 7/9, hãng Microsoft đã công bố lỗ hổng bảo mật có mã CVE-2021-40444 trong Microsoft Windows. Lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng đến các phiên bản Windows 7/8/8.1RT/10 và Windows Server 2008/2012/2016/2019/2022.

Có điểm CVSS 8.8 (cao), lỗ hổng bảo mật mới có mã lỗi CVE-2021-40444 cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa trong MSHTML. Đây là một thành phần của hệ điều hành được dùng bởi khá nhiều chương trình của Microsoft như: Microsoft Office, bao gồm Word và PowerPoint....

Microsoft cũng đã công bố rằng, lỗ hổng CVE-2021-40444 đang được khai thác tích cực. Đối tượng tấn công sử dụng các tài liệu Microsoft Office độc hại và lừa người dùng mở chúng.
Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-40444 trong Microsoft Windows cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa (Ảnh minh họa: Internet)
Cảnh báo đến người dùng Internet Việt Nam về lỗ hổng bảo mật mới trong Microsoft Windows, chuyên gia hướng dẫn, người dùng cần kiểm tra xem phiên bản Windows mình đang sử dụng có trong danh sách các phiên bản bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng không CVE-2021-40444 hay không.

Nếu có, người dùng cần thực hiện các biện pháp khắc phục là vô hiệu hóa Active Controls và chờ đến lúc có bản vá lỗ hổng mới này từ Microsoft, đồng thời sử dụng Microsoft Defender Antivirus và Microsoft Defender for Endpoint để có thể hỗ trợ phát hiện và ngăn chặn lỗ hổng.

“Hiện chưa có thông tin bản vá cho lỗ hổng bảo mật CVE-2021-40444 từ Microsoft. Tuy nhiên, các phần mềm Microsoft Defender Antivirus và Microsoft Defender for Endpoint đều có khả năng phát hiện và ngăn chặn lỗ hổng này. Vì thế, người dùng nên cập nhật các sản phẩm chống phần mềm độc hại”, chuyên gia NCSC khuyến nghị.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý thêm, để bảo mật và tránh bị tấn công, người dùng không nên mở hay tải về các tài liệu, tập tin... mà mình không mong muốn hay không biết.

“Đừng bị cám dỗ để xem nội dung chỉ vì một email hoặc một tài liệu phù hợp với sở thích, công việc hoặc nghiên cứu hiện tại của bạn. Điều đó không chứng minh rằng, người gửi thực sự biết bạn hoặc họ có thể đáng tin cậy theo bất kỳ cách nào - vì thông tin cá nhân của bạn có thể được công khai thông qua trang web cơ quan của bạn hoặc các bài đăng trên mạng xã hội của riêng bạn”, chuyên gia NCSC khuyến cáo.

Trong tháng 8, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận 1.148 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, gồm 182 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 230 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 736 cuộc tấn công cài mã độc (Malware). Cũng trong tháng 8, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma – PV) là 1.089.637 địa chỉ, giảm 45,89% so với cùng kỳ tháng 8 năm ngoái.

Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được Cục An toàn thông tin ghi nhận là 5.082 cuộc, với 1.212 cuộc Phishing, 970 cuộc Deface và 2.900 cuộc Malware.

Vân Anh
0 Nhận xét