Nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế sau đại dịch, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân, mới đây, UBND Thành phố đã ban hành dự thảo về Kế hoạch phục hồi kinh tế tại TPHCM sau ngày 15/9.
Theo đó, Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đã đề xuất mô hình Tái khởi động để giúp các doanh nghiệp (DN) có thể áp dụng được luôn trong lúc chờ phủ vắc-xin 2 mũi. Đề xuất cũng phù hợp với các DN muốn chuyển đổi từ "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường-2 điểm đến" tập trung sang một hình thức vận hành mới mang tính bền vững hơn, chủ động hơn, bảo đảm an toàn, sức khỏe và tinh thần cho người lao động (NLĐ) hơn.
Tuy nhiên, dự thảo cũng lưu ý, không phải mọi DN đều đáp ứng được yêu cầu an toàn để tái khởi động. Do đó cần có cách tiếp cận linh hoạt để ưu tiên mở cửa trước cho các DN sẵn sàng trước trong khi các DN còn lại tiếp tục củng cố kế hoạch và khởi động sau khi sẵn sàng.
Ngoài ra, mỗi địa phương cần căn cứ vào đặc thù của mình để điều chỉnh một vài yêu cầu sao cho DN phát huy được sự chủ động, khắc phục được hạn chế và tận dụng được lợi thế, nguồn lực của địa phương.
Cụ thể, các yếu tố cơ bản của Mô hình Tái khởi động hoạt động kinh tế bao gồm việc các doanh nghiệp (DN) nâng công suất hoạt động dần dần theo các mức 30% - 50% - 70% và cao hơn.
Bên cạnh đó, ưu tiên việc trở lại làm việc trước hết cho NLĐ sống ở vùng xanh hoặc không bị phong tỏa, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao (phụ nữ có thai, bệnh nền, đang sống chung với F0).
Tiếp tục tuân thủ 5K tại nhà máy/nơi làm việc, nơi ở. Giáo dục và tuân thủ di chuyển duy nhất giữa nhà và nhà máy/nơi làm việc.
Ngoài ra, doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh sàng lọc (hoặc thuê công ty dịch vụ) theo mẫu gộp cho NLĐ 1 lần/tuần cho những đối tượng nguy cơ cao (do doanh nghiệp quyết định về đối tượng và phần trăm, với mục tiêu là 20% tổng lao động đang làm việc như hướng dẫn trước đây của Bộ Y tế, với điều kiện thị trường có khả năng cung ứng đầy đủ số lượng bộ xét nghiệm) và báo cáo kết quả xét nghiệm cho chính quyền địa phương.
Khi phát hiện ca nhiễm, DN chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (tức nơi có F0, F1) chứ không phải toàn bộ nhà máy. Thực tiễn ở các nước đều cho thấy việc duy trì sản xuất liên tục trong điều kiện dịch bệnh là hoàn toàn có thể.
Mục đích của việc tạm ngừng dây chuyền/khu vực liên quan nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo bùng phát, gây tâm lý hoảng sợ, mất an toàn cho những NLĐ còn lại. Cách tiếp cận này tương tự việc cần nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, bởi mỗi nhà máy/DN cũng là một cộng đồng;
Bên cạnh đó, để đảm bảo sản xuất liên tục tại nhà máy, vì việc dừng hoạt động của một nhà máy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì, tăng trưởng sản xuất lâu dài và mục tiêu kép của Chính phủ.
Trong trường hợp DN phát hiện ca nhiễm, cơ quan chức năng (y tế) phối hợp với DN đưa NLĐ bị nhiễm đi cách ly, điều trị tại bệnh viện, cơ sở cách ly do chính quyền quản lý. Tuyệt đối không giữ người nhiễm trong nhà máy và không đóng cửa hoặc tạm dừng toàn bộ nhà máy.
Lộ trình tái khởi động hoạt động kinh tế
Lộ trình tái khởi động hoạt động kinh tế tại TPHCM được chia thành các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Mở lại theo giai đoạn.
Bắt đầu với các DN đã đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để hoạt động trở lại. Mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao động đã tiêm mũi 2 được hai tuần hoặc đã tiêm mũi 1 được bốn tuần và được xét nghiệm định kỳ.
Hơn nữa, để đảm bảo an toàn, số lượng NLĐ trong giai đoạn này nên được giới hạn (ví dụ như 30% so với bình thường) và kéo dài ít nhất 5 ngày để ổn định hoạt động trước khi chuyển sang giai đoạn 2.
Ngay khi các DN/nhà máy đã sẵn sàng phương án bước vào giai đoạn 1 và nhận được sự chấp thuận của chính quyền, họ có thể bắt đầu ngay lập tức.
Ngoài ra, DN có thể xin mở cửa trở lại bất cứ khi nào họ sẵn sàng. Khi DN nào đã xây dựng phương án đáp ứng tất cả các yêu cầu một cách bền vững, họ có thể chuyển qua giai đoạn 2. DN không được bước vào giai đoạn 2 cho đến khi xác định được rằng hoạt động ở mức 30% đang vận hành tốt và sẵn sàng để tăng mức sản xuất.
Giai đoạn 2: Nâng công suất lên tối đa 50%
Nâng công suất lên tối đa 50%. Các DN/nhà máy có thể tiếp tục Giai đoạn 1 lâu hơn nếu họ muốn hoặc chưa sẵn sàng chuyển sang Giai đoạn 2.
Giai đoạn 3: Nâng công suất lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động 100% công suất
Nâng công suất lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% công suất. Với những DN/nhà máy chưa sẵn sàng, có thể tiếp tục với công suất như giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2.
Sau khi NLĐ đã được tiêm đủ vắc xin, các nhà máy vẫn cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa tương tự, ngay cả khi lực lượng lao động của họ đã được tiêm chủng đầy đủ với hai mũi tiêm. Khi điều kiện dịch bệnh thay đổi ở bất kỳ tỉnh, cộng đồng và doanh nghiệp nào, các nhà máy cần liên tục theo dõi và điều chỉnh các kế hoạch ứng phó với Covid-19, kiểm soát và thực hành để đảm bảo họ đáp ứng một cách phù hợp nhất với các điều kiện mới nhất mà doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng của họ đang sống.
Quỳnh Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị