Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng nền tảng công nghệ để tích hợp, hướng dẫn triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế...
Xây dựng Cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo điều hành chống dịch
Chỉ đạo nêu trên của Chính phủ là một nội dung trong Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 được ban hành ngày 9/9.
Nghị quyết nhằm tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.
Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2021 phấn đấu luỹ kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh.
Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Cùng với đó, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Đáng chú ý, tại Nghị quyết mới ban hành, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương phổ biến, tập huấn và đẩy mạnh triển khai kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% cấp huyện, xã; ban hành Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó với Covid-19; xây dựng Cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo điều hành chống dịch, công bố trong tháng 9/2021, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tron tác phòng chống dịch.
Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng nền tảng công nghệ để tích hợp, hướng dẫn triển khai đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh... nhằm bảo đảm thông tin tập trung, chính thống, nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân. Việc này cần được hoàn thành trong tháng 9/2021.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình dịch bệnh, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của các cơ quan về phòng, chống dịch bệnh; củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất kinh doanh; nhân rộng những mô hình sản xuát kinh doanh hiệu quả, kinh nghiệm hay gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, tăng cường truyền thông về tác dụng, hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận hạ tầng CNTT để phục vụ làm việc trực tuyến, từ xa; xử lý nghiêm việc đưa tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, xuyên tạc gây hoang mang trong nhân dân theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia xúc tiến thương mại trực tuyến
Để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi.
Đồng thời, khai thác lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong chuỗi cung ứng sản phẩm; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo cân đối vật tư, hàng hóa quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất và đời sống, không để lợi dụng tăng giá.
Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm chủ trì việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa lớn.
Vân Anh