Vận hành phần mềm QR Code nhận diện phương tiện vận tải tự động từ hôm nay 01/09/2021

Từ ngày 1/9, Tổng cục Đường bộ chính thức vận hành phần mềm kê khai thông tin Giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, còn gọi là phần mềm QR Code nhận diện phương tiện vận tải tự động.
Đưa vào hoạt động phần mềm “luồng xanh” mới

Phần mềm QR Code nhận diện phương tiện vận tải tự động là hệ thống phần mềm do Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cấp tốc xây dựng trong 40 ngày theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải.

Phần mềm này được vận hành thử nghiệm từ ngày 25/8 và vận hành chính thức từ ngày 1/9, thay thế cho hệ thống cấp Giấy nhận diện phương tiện có QR Code đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào vận hành từ ngày 19/7 - ngay trước thời điểm cả 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, cho đến hết tháng 8.
Tiếp nhận chuyển giao nhiệm vụ từ hệ thống cũ, phần mềm QR Code nhận diện phương tiện vận tải tự động sẽ hỗ trợ hơn 250.000 phương tiện có thể di chuyển thông suốt (Ảnh minh họa)
Trong gần 1,5 tháng qua, hệ thống cấp Giấy nhận diện phương tiện có QR Code đã tiếp nhận hơn 700.000 đơn đăng ký của các đơn vị và đã cấp hơn 350.000 giấy nhận diện phương tiện được ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải. Hệ thống đã góp phần giúp cho các phương tiện ưu tiên được hoạt động thông suốt 24/24h tại những địa phương áp dụng Chỉ thị 16, vừa giảm thời gian kiểm tra, kiểm soát khi phương tiện đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Để phục vụ cho yêu cầu vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới, tại cuộc họp đầu tháng 8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Viettel chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng phần mềm mới và triển khai thí điểm với 2 địa phương để làm cơ sở triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

Trước khi hệ thống phần mềm mới do Viettel xây dựng được đưa vào hoạt động chính thức, đơn vị đảm trách xây dựng và vận hành phần mềm “luồng xanh” cũ đã hoàn thành việc bàn giao toàn bộ mã nguồn của phần mềm, dữ liệu hệ thống đến thời điểm 18h ngày 30/8 cũng như tài khoản quản trị cơ sở dữ liệu.

Với hệ thống phần mềm mới, theo đại diện Viettel, hệ thống đáp ứng tối thiểu 300 người dùng đồng thời/giây, cung cấp đồng thời 1 triệu mã QR trong 1 giờ, tương ứng mỗi giây có thể cấp được đồng thời 270 mã QR, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp thuận tiện trong quá trình khai báo và nhận thông tin.

Đặc biệt, với công nghệ giám sát an toàn thông tin 24/7, hệ thống phần mềm QR Code nhận diện phương tiện vận tải tự động được bảo mật thông tin tuyệt đối và vận hành thông suốt.

Sẽ tích hợp công nghệ nhận diện OCR để đọc giấy xét nghiệm Covid-19

Việc kê khai thông tin để nhận Giấy nhận diện phương tiện thông qua mã QR được thực hiện tự động trên phần mềm mà không cần phải thông qua quá trình phê duyệt của các Sở Giao thông vận tải. Quá trình tự động trên hệ thống giúp rút ngắn thời gian cấp QR Code cho các phương tiện vận tải hàng hóa.

Theo đó, doanh nghiệp thực hiện đăng nhập vào hệ thống và khai báo thông tin phương tiện vận tải và những người trên phương tiện tại địa chỉ vantai.drvn.gov.vn.

Khi các thông tin hợp lệ, QR Code được tạo ngay lập tức và gửi trả về tài khoản của người kê khai. QR Code này sẽ tự động hết hiệu lực khi Giấy xét nghiệm SAR-CoV-2 âm tính của một trong số người trên phương tiện hết hiệu lực. Mã QR sẽ tự động gia hạn sau khi đơn vị vận tải cập nhật lại Giấy xét nghiệm SAR-CoV-2 âm tính còn hiệu lực.

Đơn vị vận tải thực hiện tải xuống mã QR, in trên khổ giấy A5 để dán trên kính trước xe ô tô; in trên khổ giấy A4 để dán 2 bên thành xe.
Giao diện phần mềm QR Code nhận diện phương tiện vận tải tự động mới được Tổng cục Đường bộ đưa vào hoạt động chính thức.
Viettel cũng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống này, tích hợp công nghệ nhận diện hình ảnh OCR trong quá trình đọc thông tin của giấy xét nghiệm Covid-19, giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt, tạo mã QR Code.

Trong yêu cầu được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra tại thời điểm đề nghị Viettel xây dựng hệ thống phần mềm mới, cơ quan này cũng đã nêu rõ: “Phần mềm mới phải có lộ trình kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu tờ khai y tế, xét nghiệm Covid-19, tiêm vắc xin; cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, giám sát hành trình, đăng kiểm phương tiện, đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vận tải…”.

Để bảo đảm công tác triển khai phần mềm mới đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, vận chuyển hàng hóa, vào ngày 25/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị các Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn về việc vận hành phần mềm QR Code nhận diện phương tiện vận tải tự động.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Vụ vận tải theo dõi quá trình triển khai vận hành phần mềm tại các Sở Giao thông vận tải; tổng hợp, tham mưu Lãnh đạo Tổng cục xử lý các khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của phần mềm.

Vân Anh
0 Nhận xét