Xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech lĩnh vực ngân hàng

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì việc xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Thời hạn trình Chính phủ là trong quý IV năm nay.
Ngày 6/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Nghị quyết này được Chính phủ đưa ra trên cơ sở xem xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ.
Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech lĩnh vực ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ trong quý IV/2021. (Ảnh minh họa:sbv.gov.vn)
Cùng với việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định.

Việc xây dựng Nghị định này, theo yêu cầu của Chính phủ, phải bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo các chuyên gia, Fintech là kết quả của quá trình chuyển đổi số đối với ngành tài chính và sẽ là tương lai của ngành này, đồng thời đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế số.

Trong Chiến lược phát triển CNTT ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt hồi cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng xác định mục tiêu cụ thể của toàn ngành ngân hàng là thực hiện thành công kế hoạch chuyển đối số ngành dựa trên khuôn khổ pháp lý từng bước hoàn chỉnh và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0. Song song đó, đảm bảo an ninh, bảo mật và hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin quan trọng trong quản trị, điều hành và cung cấp dịch vụ ngân hàng.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động công nghệ đã được xác định là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng của Chiến lược phát triển CNTT ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động của Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện chuyển đổi sang mô hình Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước và mô hình ngân hàng số cho các tổ chức tín dụng, bao gồm: Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Ngân hàng Nhà nước; cơ chế định danh (ID) và xác thực điện tử (e-KYC); cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho các công nghệ mới…

Vân Anh
0 Nhận xét