Dừa sáp Trà Vinh có giá 600.000 đồng/quả tại Australia

VOV.VN - 2.000 quả dừa sáp Trà Vinh được xuất khẩu bằng đường hàng không sang Australia đã được phân phối hết sau thời gian ngắn đưa ra tiếp thị.

2.000 quả dừa sắp xuất khẩu sang Úc giá bán 600.000 đồng/quả

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, thực hiện chỉ đạo đa dạng hóa nông sản xuất khẩu của Bộ Công Thương và của Cơ quan Đại diện tại Australia, Thương vụ Việt Nam tại Australia vừa đồng hành cùng doanh nghiệp đưa lô hàng 2.000 quả dừa sáp tươi Trà Vinh sang Australia tiêu thụ.

Đây là lần đầu tiên dừa sáp Trà Vinh được xuất khẩu bằng đường hàng không sang Australia với số lượng lớn, được phân phối hết sau thời gian ngắn đưa ra tiếp thị. Với giá bán lẻ từ 30 - 35 AUD/quả (khoảng 600.000 đồng), tổng giá trị lô hàng bán ra tại thị trường tại Australia lên đến 70.000 AUD (khoảng hơn 1 tỷ đồng) nên được đánh giá là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.
"Việt Nam - vùng đất được thiên nhiên nuôi dưỡng” là khẩu hiệu được Thương vụ quảng bá, nâng giá trị quả dừa Việt tại Australia.
Trước đây, dừa sáp Trà Vinh có xuất sang Australia với số lượng nhỏ, phần lớn là đông lạnh. Đây là lần đầu tiên 2.000 quả dừa sáp tươi được xuất bằng đường hàng không với sự quyết tâm đồng hành của Công ty Ưu Đàm cùng với Thương vụ trong Chương trình xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam tại Australia.

​Để hỗ trợ nhà nhập khẩu đảm bảo chất lượng khi phân phối, Thương vụ được sự giúp đỡ của Bộ GTVT, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bố trí đủ chỗ trên một chuyến bay cho 2.000 quả dừa, thể hiện sự chung tay vì nông sản Việt..

Ngay sau khi sản phẩm được nhập khẩu vào Australia, Thương vụ đã triển khai quảng cáo trên mạng xã hội và đang phát hành ấn phẩm giới thiệu ẩm thực dừa sáp kết hợp với các loại trái cây Việt Nam, tạo thành “combo” tiêu thụ trái cây Việt Nam để sau lô hàng này, dừa sáp Trà Vinh hiện diện manh mẽ hơn tại Australia. Đồng thời quảng bá đến cộng đồng người Australia về ẩm thực dừa sáp tươi như một loại pho mát tự nhiên.

Với 1 quả dừa sáp, cùng sự kết hợp một hoặc nhiều loại các loại trái cây như sầu riêng, hay thanh long, hay nhãn, dừa khô, mít (đông lạnh), thực khách tại Australia có cơ hội thưởng lãm những món ngon mới mẻ. Thương vụ cũng đã giới thiệu với bạn bè Australia dùng dừa sáp tươi, kết hợp chút muối thưởng thức cùng rượu vang Australia để có được cảm vị như một loại pho mát thiên nhiên.

Cũng như sầu riêng trước đây khó chen chân vào Australia, nhưng với quyết tâm của Thương vụ và doanh nghiệp, sau 2 năm đã có những thành công nhất định. Xác định quả dừa tươi tuy đã xuất khẩu sang Australia nhưng còn gặp nhiều cạnh tranh, doanh nghiệp và Thương vụ đang tiếp tục phối hợp thực hiện các biện pháp xây dựng thương hiệu dừa Việt Nam.

Để chào đón những ngày hè tại Australia và việc mở cửa trở lại sau Covid-19, 1 container dừa của Công ty Rồng Đỏ hợp tác cùng nhà nhập khẩu 4waysfresh chuẩn bị cập bến phân phối tại 2 bang Nam Australia và Tây Australia với chất lượng được tuyển chọn và bao bì chuyên nghiệp. Trong khi đó, nhãn hàng Mekong cũng đang gấp rút đàm phán để đưa 2 container dừa tươi Bến Tre sang Melbourne và Sydney để phối hợp với Thương vụ quảng bá và tiêu thụ.

Nhận thấy quả dừa là một loại nông sản tươi hiếm hoi không phải đàm phán mở cửa với Australia, nên Thương vụ rất mong muốn doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đồng hành cùng Thương vụ xây dựng thương hiệu. Thương vụ cũng liên tục đề nghị nhà phân phối chú trọng khâu bảo quản dừa tươi ở nhiệt độ phù hợp tại các điểm bán lẻ để giữ chất lượng cạnh tranh./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Dừa sáp là gì?

Dừa sáp, còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, makapuno (Philippines) là một phân loài dừa có quả đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại trong veo như sương sa. Là đặc sản duy nhất chỉ có ở Trà Vinh, Việt Nam, dừa được trồng nhiều ở giồng Cây Xanh, cách thị trấn Cầu Kè (Trà Vinh) khoảng 4 km.
Trái dừa sáp khi được bổ ra

Lịch sử cây dừa sáp

Dừa sáp có mặt ở Giồng Cây Xanh, Trà Vinh khoảng những năm 1960. Có tài liệu khác cho rằng loại cây cho quả dừa sáp đã xuất hiện ở huyện Cầu Kè vào năm 1942 do một nhà sư người Khmer sang thăm Campuchia mang về làm giống. Do đột biến gene hoặc do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết mới ở vùng đất Cầu Kè đã khiến dừa cho trái sáp đặc biệt, trở thành một đặc sản chỉ riêng Trà Vinh mới có.
Cây dừa sáp ở Trà Vinh
Trên cây dừa sáp, chỉ những trái không có sáp mới có khả năng tạo phôi, tạo mộng, mầm, tạo ra cây dừa sáp giống; những trái có sáp không thể để giống. Do thụ phấn chéo, thế hệ cây con khó xác định về tính trạng và chất lượng trái. Việc nhân giống dừa sáp bằng phương pháp cấy mô sẽ cho thế hệ dừa sáp đồng nhất tính trạng và chất lượng đang được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh và Trung tâm dừa Đồng Gò (Viện nghiên cứu cây có dầu) thực hiện, và hiện đã có những thành công bước đầu.

Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm Dừa Đồng Gò cũng đã thực hiện thí nghiệm "Phun phấn trợ lực nhằm gia tăng tỷ lệ trái sáp trên cây dừa sáp" và báo cáo tổng kết trước Hội đồng khoa học trong năm 2010.

Cuối năm 2008 Tiến sĩ Yukata Hirata và Takeshi Nakishima của Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã đến Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân, Trà Vinh khảo sát với một sự quan tâm đặc biệt hương vị sáp dừa, độ dày cơm dừa, trọng lượng và kích thước của trái dừa sáp Cầu Kè. Và giữa năm 2009, Tiến sĩ Võ Mai Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam đã về hợp tác xã này triển khai thực hiện mô hình trồng dừa sáp đúng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho trái an toàn (VietGAP) theo Quyết định số 84 ngày 28 tháng 7 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Đặc điểm cây dừa sáp

Theo cảm quan về hình thái (rễ, thân, lá, quày, dạng trái và tình trạng vỏ trái) dừa sáp giống như dừa bình thường. Căn cứ hình dạng, màu sắc trái tại Trà Vinh hiện có tới năm giống dừa sáp: dừa sáp tròn, dừa sáp dài, dừa sáp có cạnh, dừa sáp vỏ xanh, dừa sáp vỏ vàng. Thực tế các cây dừa sáp có dạng trái, màu sắc khác nhau cũng cho cơm dừa dày, mỏng khác nhau. Ban đầu các buồng dừa sáp cơ bản giống dừa thường, sau đó trên mỗi buồng thường có 2-3 trái chiếm khoảng 20-25% có ruột đặc, khác biệt với những trái dừa khác.
Có tới năm giống dừa sáp: dừa sáp tròn, dừa sáp dài, dừa sáp có cạnh, dừa sáp vỏ xanh, dừa sáp vỏ vàng
Các loại trái dừa nói chung thường trải qua vài giai đoạn. Khi dừa còn non, cơm mềm dẻo, nước ngọt. Khi già thì cơm dừa cứng lại, nước nhạt dần và có thể lên men. Riêng dừa sáp thì sau khi trải qua giai đoạn còn non với cơm dừa và nước dừa, sẽ tiếp tục phát triển dày dần phần cơm dừa lên lấp gần đầy khoảng trống của gáo dừa, chỉ để lại một không gian nhỏ chính giữa với chất lỏng sệt, có mùi thơm đặc trưng. Cơm dừa dạng xốp, mềm và dẻo chứ không còn cứng như cơm dừa của các quả dừa khác.

Mỗi buồng dừa sáp thường chỉ cho vài trái sáp, những trái còn lại là dừa thường và giá trị thương mại chỉ ngang với những trái dừa khác. Tuy vậy không phải buồng dừa nào cũng cho trái sáp và thực tế cũng không hiếm trường hợp có buồng vài chục trái mà không có trái sáp nào.

Một số nhà nghiên cứu tại Trung tâm Dừa Đồng Gò (Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thuộc Bộ Công Thương Việt Nam) giải thích rằng đặc tính dừa sáp là do phấn dừa sáp quyết định. Trái trên cây dừa sáp khi được thụ bằng chính phấn dừa sáp thì mới có khả năng cho cơm dừa sáp. Việc trồng xen canh giữa dừa sáp và dừa thường trong vườn trong đó tỷ lệ dừa thường cao hơn khiến cây dừa sáp khó đậu quả sáp hơn.

Dừa sáp được dùng để chế biến nhiều loại nước giải khát. Cơm dừa được nạo, cho vào máy xay sinh tố đã chế sẵn sữa, đường, cà phê hoặc ca cao, cùng nước đá bào cho thức giải khát bùi, béo, ngọt. Dừa có độ dầu cao hơn dừa thường, mùi thơm đặc trưng hơn nên có thể trở thành đặc tính quý ứng dụng trong việc sản xuất bánh kẹo và các sản phẩm khác đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Ngoài ra, như mọi loại dừa khác dừa sáp có thể sản xuất cơm dừa, thạch dừa (nata de coco), mứt dừa, kem dừa, nhựa thu được từ các cụm bông dừa được lên men để sản xuất rượu vang dừa, cơm dừa sấy khô, mụn xơ dừa, than hoạt tính.

Từ mức giá ngang dừa thường, trong khoảng từ năm 2000 trở lại đây giá dừa sáp bỗng tăng cao và trở thành loại dừa có giá đắt nhất Việt Nam (chủ yếu do sản lượng cung cấp thấp). Trà Vinh, tỉnh duy nhất trồng dừa sáp chỉ có thể cung cấp khoảng 10 ngàn trái/năm, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách mua dùng thử.

Theo Wikipedia
0 Nhận xét