Với việc bổ sung 6 nền tảng số mới: MISA AMIS, Ubot Meeting, Ubot Invoice, Gapowork, Joboko và Vexere, hiện số nền tảng “Make in Vietnam” xuất sắc được đánh giá, chọn tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số là 24 nền tảng.
Ngày 14/10, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT với 5 nền tảng số mới tham gia Chương trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEdx).
Các đơn vị mới được bổ sung vào danh sách các nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số gồm: Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất - MISA AMIS của Công ty cổ phần MISA; Nền tảng tự động hoá quy trình nghiệp vụ - Ubot Invoice và nền tảng tổ chức các sự kiện, biểu quyết online - Ubot Meeting của FPT Software; Nền tảng mạng xã hội cho doanh nghiệp GapoWork của Gapo; Nền tảng tuyển dụng Joboko của Công ty Joboko; Nền tảng chuyển đổi số và tăng doanh thu cho các đơn vị vận chuyển hành khách, hàng hoá - Vexere của Công ty thương mại và dịch vụ Vexere.
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Phú Tiến tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với các nền tảng số mới tham gia Chương trình SMEdx. |
Chia sẻ tại sự kiện, đại diện Cục Tin học hóa, Phó Cục trưởng Nguyễn Phú Tiến cho biết, trong hơn 1 năm vừa qua, Việt Nam đã có sự thay đổi nhận thức toàn diện ở cả 3 trụ cột của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cả về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Tin học hóa, chuyển đổi số hiện mới chỉ dừng lại nhiều hơn ở việc nhận thức và bắt đầu triển khai. “Vì thế, thời gian tới Cục Tin học hóa mong muốn các doanh nghiệp sẽ cùng nhau thúc đẩy, đưa chuyển đổi số vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Đây là trách nhiệm rất lớn của các doanh nghiệp công nghệ số, khi mà Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cũng đã xác định rõ một trong những yếu tố phát triển kinh tế số chính là “Make in Viet Nam” – các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những ứng dụng giải quyết bài toán Việt Nam”, ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Cục Tin học hóa, với các doanh nghiệp lớn có nguồn lực về tài chính, công nghệ, chuyển đổi số với họ chủ yếu là định hướng chiến lược, tầm nhìn. Còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam, để chuyển đổi số cần có sự thay đổi cả về nhận thức cũng như sự hỗ trợ rất lớn về nguồn lực, công nghệ. Có như vậy, những doanh nghiệp này mới có thể thành công.
Đây cũng chính là lý do Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Chương trình SMEdx. Được khởi động từ ngày 29/1, chương trình SMEdx hướng tới mục tiêu kép: Vừa góp phần phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đủ năng lực chiếm lĩnh thị trường trong nước và đi ra toàn cầu.
Tại thời điểm khởi động, Cục Tin học hóa và 15 doanh nghiệp cung cấp nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số đã ký kết biên bản ghi nhớ triển khai Chương trình SMEdx. Tiếp đó, ngày 16/7, đã có 3 nền tảng số nữa tham gia Chương trình.
Các nền tảng tham gia Chương trình đều là nền tảng số “Make in Vietnam” xuất sắc do Bộ TT&TT tập hợp, đánh giá, lựa chọn kỹ lưỡng, trước khi giới thiệu để cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ dùng thử, trải nghiệm và vận dụng vào các nghiệp vụ cụ thể của mình. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức, biến đổi tư duy và hành động mạnh mẽ, tham gia hiệu quả hơn vào thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy sự hoàn thiện quốc gia số.
Đáng chú ý, sau hơn 8 tháng triển khai Chương trình, đã có hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc sử dụng và trải nghiệm các nền tảng số “Make in Vietnam” được chọn tham gia.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể tìm hiểu về chuyển đổi số, học hỏi phương pháp chuyển đổi số phù hợp cho doanh nghiệp mình qua Cổng kết nối, tương tác, tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp SME tại địa chỉ https://SMEdx.vn. Các doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu và lựa chọn ngay những nền tảng số mà mình cần dùng, mong muốn trải nghiệm để đăng ký triển khai sử dụng với nhiều ưu đãi.
Vân Anh