Startup xe điện Việt Dat Bike đặt tham vọng trở thành nhà sản xuất Việt Nam dẫn đầu trong khát vọng “xanh hóa” thị trường xe 2 bánh có giá trị 25 tỷ USD, tại khu vực Đông Nam Á.
Tham vọng đổi xe xăng sang xe điện trong toàn khu vực Đông Nam Á
“Weaver 200 là minh chứng cho tâm huyết và nỗ lực của Dat Bike. Đây là một bước tiến gần hơn tới tham vọng chuyển đổi toàn bộ xe máy xăng sang xe máy điện tại thị trường Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung”, CEO Dat Bike Nguyễn Bá Cảnh Sơn tỏ rõ tham vọng của mình khi giới thiệu phiên bản Weaver 200 ra thị trường Việt Nam.
Mẫu xe Weaver 200 có thể di chuyển quãng đường 200km cho một lần sạc đầy |
Kể từ sau Shark Tank 2019, đây là phiên bản thứ 2 được hãng đưa ra thị trường. Weaver 200 giữ nguyên phong cách thiết kế cổ điển, cá tính của phiên bản tiền nhiệm. Mẫu xe này hướng đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi và rõ ràng không dành cho số đông.
Phiên bản xe mới trang bị động cơ công suất 6.000W và có thể đạt vận tốc tối đa 90km/h. Nhà sản xuất cho biết, Weaver 200 trang bị pin Lithium-ion 72V với dung lượng 68Ah, cho phép người dùng đi được quãng đường 200km chỉ với 1 lần sạc, sạc 100km đầu chỉ trong 1 giờ và tổng 200km trong 3 giờ, vận tốc di chuyển tối đa lên đến 90 km/h. Tuổi thọ lên đến 150.000km tương đương với 15 năm
Bên cạnh những công năng nổi bật về động cơ kỹ thuật, Weaver 200 được Dat Bike trang bị thêm thẻ từ (RFID) và công nghệ cảm biến, tính năng (IoT). Tính năng này tương tự như ứng dụng trong xe Tesla, cho phép người dùng có thể linh hoạt mở và khóa xe chỉ đơn giản bằng cách tiến lại gần hoặc đi ra xa. Weaver 200 cũng có khả năng cập nhật phần mềm từ xa.
Mẫu xe điện sở hữu nhiều tính năng thông minh |
Bộ điều khiển động cơ mang tên Dat ESC do hãng phát triển sở hữu bộ điều khiển riêng và đồng bộ, nhờ đó, Weaver 200 có khả năng vận hành mượt mà hơn.
CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho hay, Dat Bike đang dẫn đầu và làm chủ tất cả các công nghệ lõi (pin, động cơ…) của các sản phẩm nhưng, điều đó là chưa đủ để người Việt đổi sang xe điện.
Khi Dat Bike đưa chiếc xe đầu tiên ra thị trường thì nhiều người mua xe vẫn giữ lại xe xăng bởi khi di chuyển xa hơn, nhanh hơn thì quãng đường di chuyển 100 km của xe điện là không đủ. “Chúng tôi phải giải quyết bài toán về mặt vận hành, làm sao một chiếc xe điện có thể chạy ngang với xe xăng về quãng đường đi, thời gian sạc, tốc độ”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, quãng đường di chuyển và các công nghệ được nâng cấp, hiệu suất hoạt động cao nhưng xe phải có giá bán tốt, điều này có được nhờ làm chủ các công nghệ lõi.
Covid-19 chỉ là “phép thử” ngắn hạn
Startup xe điện Dat Bike được Nguyễn Bá Cảnh Sơn sáng lập vào năm 2019 và từng gây nhiều ấn tượng ở Shark Tank Việt Nam 2019. Sau khi tham gia chương trình, Dat Bike đã cho ra đời 2 phiên bản xe điện là Weaver và Weaver 200. Startup này cũng đã gọi vốn thành công được 2,6 triệu USD trong vòng pre-series A từ nhóm quỹ ngoại, do nhà đầu tư Jungle Ventures dẫn đầu vào tháng 4/2021 vừa qua. Với bước đệm vững vàng, Dat Bike đặt tham vọng trở thành nhà sản xuất Việt Nam dẫn đầu trong khát vọng “xanh hóa” thị trường xe 2 bánh có giá trị 25 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á.
CEO Dat Bike Nguyễn Bá Cảnh Sơn |
Như vậy, Weaver 200 là phiên bản cải tiến sau một thời gian khá dài mẫu xe đầu tiên được thị trường đón nhận. Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho hay, dịch Covid-19 đã làm tiến độ ra mắt sản phẩm chậm lại do sản xuất và vận hành bị gián đoạn. Tuy nhiên, vị CEO trẻ tuổi lại cho rằng đây chỉ là một thử thách ngắn hạn.
“Dịch bệnh chỉ là một trong những khó khăn ngắn hạn, khó khăn lớn hơn rất nhiều mà chúng tôi phải đối mặt là những biến động về chuỗi cung ứng trên cả thế giới. Sự làm chủ công nghệ của Việt Nam hiện tại và những khó khăn về thị trường. Vì thế phải làm ra những chiếc xe có thể bán được với giá cả phải chăng hơn”, ông Sơn nói.
Vị CEO trẻ cho biết, Dat Bike hiện đang làm chủ các công nghệ lõi ở các mẫu xe điện của mình. Hãng xe cũng ưu tiên sử dụng các linh kiện thị trường Việt Nam có thể sản xuất. Do đó, xe của hãng được đánh giá là có tỷ lệ nội địa hóa cao trong ngành xe điện.
Phúc Vinh