Doanh thu năm 2020 của Highlands Coffee giảm nhẹ nhưng lợi nhuận tăng 45%.
Chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam Highlands Coffee đang kinh doanh ra sao? |
Mới đây thông tin từ Zing và Tuổi trẻ cho biết Công ty CP Nhà Hòa Bình - chủ toà nhà Pax Sky (26 Ung Văn Khiêm, phường 25, Q.Bình Thạnh) đã gửi đơn tố cáo vì bị Highlands Coffee nợ gần 5 tháng tiền thuê mặt bằng.
Theo đơn tố cáo được gửi đến Công an phường 25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cửa hàng Highlands Coffee tại tòa nhà Pax Sky đã nợ gần 5 tháng tiền mặt bằng liên tiếp (từ tháng 7 đến nay) với tổng số tiền nợ gần 500 triệu đồng.
Trước khi gửi đến tố cáo, Nhà Hoà Bình cho biết công ty đã nhiều lần làm việc, trao đổi qua công văn với Highlands Coffee để đàm phán nhưng không tìm được tiếng nói chung.
Đầu tháng 11, một cửa hàng cà phê thuộc chuỗi này cũng bị một chủ nhà tố “chây ì” trả tiền thuê, thậm chí xảy ra xích mích, ẩu đả ở toà Artemis tại Hà Nội, dẫn đến đóng cửa quán.
Không thể phủ nhận trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp buộc phải có biện pháp mạnh để cắt giảm chi phí cũng như tăng doanh thu. Chuỗi cà phê lớn nhất trong ngành F&B kinh doanh ra sao từ năm 2019, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19?
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Dịch vụ cà phê cao nguyên (Highlands Coffee) hiện có gần 40 chi nhánh, hiện diện tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Ông Lê Thái Anh sinh năm 1973, người đại diện pháp luật của Highlands Coffee cũng là người đại diện pháp luật của gần 40 chi nhánh nói trên.
Một khảo sát của báo Lao Động, tính đến tháng 7/2021 chuỗi cà phê này đã có khoảng 437 cửa hàng, trên 32 tỉnh/thành của Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu là TP HCM với 156 cửa hàng, theo sau là Hà Nội với 112 cửa hàng. Những tỉnh/thành có trên dưới 20 cửa hàng có thể kể tới như: Đà Nẵng (29), Hải Phòng (17), Khánh Hòa (16).
Năm 2016, doanh thu của Highlands Coffee ở mức 840 tỷ đồng thì đến năm 2018 tăng gấp đôi lân mức 1.628 tỷ đồng. Số liệu từ Lao Động cho biết doanh thu 2019 của chuỗi này đạt mốc 2.199 tỷ đồng sau đó giảm nhẹ về mức 2.139 tỷ đồng năm 2020.
Nếu so sánh về doanh thu, Highlands Coffee ở vị thế số 1 nhiều năm và bỏ xa các chuỗi cà phê khác. Xếp sau Highlands Coffee là chuỗi Phúc Long, The Coffee House, Starbucks. Ba chuỗi này có mức doanh thu vào khoảng 700-800 tỷ đồng, bằng ⅓ so với Highlands.
Mặc dù doanh thu gia tăng đáng kể, tuy nhiên lợi nhuận của Highlands không tăng trưởng tương đương. Năm 2017, lãi sau thuế của Highlands Coffee là 99,75 tỷ đồng thì năm 2019 khi công ty ở đỉnh cao doanh thu với 2.199 tỷ đồng, con số lãi chỉ 55 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến lãi ròng của Highlands Coffee năm 2019 lao dốc gần 45% so với 2018 là do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, lần lượt ở mức 47% và 38%.
Từ khi Covid xuất hiện, nhiều sự điều chỉnh được các chuỗi cà phê có thương hiệu đưa ra nhằm ứng phó đại dịch: cắt giảm chi phí theo tình hình hoạt động, đẩy mạnh khâu bán hàng trực tuyến, gia tăng tính hiệu quả, xin hoãn giãn nợ…
Đến năm 2020, lợi nhuận của một số chuỗi được cải thiện đáng kể. Lợi nhuận Highlands Coffee tăng 45%, đạt 80 tỷ đồng.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị