Chuyển đổi số là 'bàn đạp' để khôi phục hoạt động ngành du lịch Việt Nam

Nhấn mạnh liên kết hợp tác rất quan trọng với chuyển đổi số ngành du lịch, đại diện Tổng cục Du lịch cho hay, bên cạnh định hướng và xây dựng nền tảng của cơ quan nhà nước, rất cần sự chung tay của doanh nghiệp, điểm đến du lịch.

Du lịch Việt Nam “chao đảo” vì ảnh hưởng dịch Covid-19

Trao đổi tại phiên sáng chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển của Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III ngày 11/12, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chia sẻ về chuyển đổi số của ngành du lịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển như “vũ bão” song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)... Điều này thể hiện rõ ràng qua các hoạt động dịch chuyển của du khách, từ bước đặt phòng, vé tàu xe đến đánh giá dịch vụ đều thực hiện trên ứng dụng di động.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ về thực trạng và định hướng chuyển đổi số lĩnh vực du lịch (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Trong bối cảnh dịch bệnh, du lịch bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Theo báo cáo của tổ chức du lịch trên thế giới năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tổng lượng du khách quốc tế giảm 390 triệu lượt, giảm 73% so với năm 2019, ước tính thiệt hại 2,4 nghìn tỷ USD. “Trước tình hình thế giới như vậy, du lịch Việt Nam cũng không tránh khỏi những “chao đảo”, buộc phải có những bước chuyển mình để thích ứng với tình hình”, ông Nguyễn Lê Phúc nói.

Thông tin về thực trạng chuyển đổi số lĩnh vực du lịch, đại diện Tổng cục Du lịch cho hay, từ tháng 11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Đề án triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW Bộ Chính trị đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đã được ban hành.

Dịch bệnh Covid-19 diễn ra giữa lúc ngành du lịch đang khởi động triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Cụ thể, ngành du lịch bước đầu đã xây dựng một số cơ sở dữ liệu như: Cơ sở dữ liệu khách sạn với các hệ thống khách sạn 4 và 5 sao, và các khách sạn 3 sao phục vụ công tác phòng chống dịch; cơ sở dữ liệu về hướng dẫn viên; cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp lữ hành...

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đã bước đầu thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; cơ quan nhà nước nhận thông tin, báo cáo thông qua các đơn vị cơ sở. Đồng thời, bước đầu ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển các điểm đến du lịch thông thông minh.

Về vấn đề ứng dụng công nghệ điểm đến thông minh, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, triển khai số hóa các điểm đến, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết, hiện tại mới đang thí điểm tại hai địa phương là Hà Giang và Thanh Hóa. Trong tương lai gần, Tổng cục sẽ tiến hành ở 20 tỉnh, bước đầu là mỗi điểm một tỉnh, sau đó sẽ nhân rộng ra.

“Tuy ngân sách cho chuyển đổi số du lịch còn thiếu nhưng các địa phương cũng rất chủ động trong việc triển khai các ứng dụng riêng của mình”, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết thêm.

Chẳng hạn như, tại Hà Nội, có hệ thống thuyết minh tự động tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay phần mềm hướng dẫn thăm quan Hoàng thành Thăng Long, cổng thông tin “Hoàn Kiếm 360 độ”… Ở TP.HCM, đã ra mắt 2 trạm thông tin và hỗ trợ khách hàng du lịch và một số phần mềm tiện ích như “Vibrant Ho Chi Minh City”, “HCM Travel Guide”...
Du khách tìm hiểu Cổng thông tin "Hoàn Kiếm 360 độ" (Ảnh: TTXVN)
Tại Đà Nẵng, đã đưa vào sử dụng công nghệ chatbot “Da Nang FantastiCity” - công nghệ du lịch đầu tiên sử dụng AI tại Việt Nam và ASEAN. Cùng với đó, chương trình tham quan Hoàng thành Huế bằng công nghệ thực tại ảo (VR) đã được ra mắt.

Về phía doanh nghiệp, tất cả đều ứng dụng công nghệ để thực hiện quản lý cũng như bán hàng trên môi trường mạng như Viettravel, Flamingo…. Hiện nay tại Việt Nam, các sàn giao dịch điện tử có khoảng 10 sàn du lịch chiếm khoảng 20% thị phần, các ứng dụng vận tải hành khách chiếm 13% thị phần. Lĩnh vực vận chuyển hành khách, Việt Nam đã có một số ứng dụng như Be, MyGo, FastGo…

Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh

Bên cạnh việc điểm ra những cơ hội, thuận lợi cho chuyển đổi số lĩnh vực du lịch, đại diện Tổng cục Du lịch cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết thời gian tới như: Chưa thống nhất về tư duy, nhận thức, mới chỉ coi chuyển đổi số như đầu tư hạ tầng hay đầu tư ứng dụng; chưa có sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ trên nền tảng số giữa các chủ thể liên quan, giữa khách du lịch và các doanh nghiệp cung cấp du lịch.

Thêm vào đó, một thách thức nữa trong chuyển đổi số hoạt động du lịch là thiếu nguồn lực để phát triển đồng bộ và bền vững hệ sinh thái du lịch thông minh, thiếu hụt nguồn lực phát triển đồng bộ về du lịch thông minh.

Ngoài ra, khó khăn của chuyển đổi số du lịch còn đến từ sự hạn chế kiến thức, trình độ kỹ năng của đội ngũ nhân viên du lịch; các quy định pháp lý cũng chưa theo kịp phát triển tốc độ phát triển của chuyển đổi số. “Cuối cùng là khó khăn to lớn nhất là Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.

Khẳng định vấn đề liên kết, hợp tác là vô cùng quan trọng để chuyển đổi số lĩnh vực du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng: Bên cạnh định hướng và xây dựng nền tảng của cơ quan quản lý nhà nước, rất cần có sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, điểm đến du lịch.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Lê Phúc, 8 nội dung sẽ được ngành du lịch tập trung thời gian tới, trong đó có: Tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số trong ngành du lịch; nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cấp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội về chuyển đổi số trong du lịch; hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh.

Cùng với đó, phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch; phát huy mạnh mẽ cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch.

Hương Dung - Vân Anh
0 Nhận xét