Dù hai ‘ngoại binh’ Shopee và Lazada đang dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam, những người chơi nội địa vẫn có cơ hội thay đổi tình thế.
Shopee và Lazada chiếm thị phần lớn trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. (Ảnh minh họa: Kr-Asia) |
Việt Nam là một trong các nền kinh tế Internet hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á” mới nhất của Google, Temasek và Bain & Co, nền kinh tế số Việt Nam có thể tăng trưởng 175% vào năm 2025 để trở thành người chơi lớn thứ hai khu vực, chỉ sau Indonesia, với tổng giá trị (GMV) đạt 57 triệu USD.
Trong đó, thương mại điện tử đóng góp lớn cho kinh tế số. Báo cáo chỉ ra, GMV thương mại điện tử tăng từ 8 tỷ USD lên 13 tỷ USD năm 2021. Nguyên nhân đứng sau tăng trưởng này có thể là do lượng người dùng Internet mới. Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam có thêm 8 triệu người dùng kỹ thuật số, những người chi tiền cho bất kỳ loại hình dịch vụ trực tuyến nào.
Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử trong nước đang do hai công ty nước ngoài dẫn đầu, đó là Shopee của Sea và Lazada của Alibaba. Xét về lưu lượng truy cập, Shopee và Lazada chiếm hai vị trí đầu bảng, tiếp đến là Tiki và Sendo, theo iPrice Insights. Thành công của hai “ông lớn” này đặt ra câu hỏi liệu các đối thủ nội có đủ sức cạnh tranh ngay trên sân nhà hay không?
Theo Roshan Raj Behera, đối tác tại hãng nghiên cứu RedSeer, Shopee và Lazada có lợi thế về nguồn sản phẩm, quan hệ đối tác, logistics, người bán hàng, tiếp thị, dịch vụ khách hàng… Một nghiên cứu do hãng Decision Lab thực hiện cho thấy, khoảng 51% người tiêu dùng Việt cho biết, Shopee là nền tảng yêu thích khi mua sắm trực tuyến. Lazada xếp thứ hai với 18%, Facebook 8%, Tiki 7% và Sendo 3%.
Shopee còn là nền tảng “phải ghé” với 73% người dùng sống ngoài các thành phố lớn, tiếp đó là Lazada (48%), Facebook, Tiki và Sendo. Bên cạnh đó, hơn 70% người dùng trẻ - hay Gen Z – đánh giá Shopee là nền tảng thương mại điện tử tốt nhất, vẫn theo báo cáo của Decision Lab.
Ông Behera cho rằng, Shopee đạt thành tích này nhờ hàng hóa phong phú và hỗ trợ miễn phí vận chuyển. Ngoài ra, mô hình kinh doanh của nền tảng còn kết hợp giữa B2C và C2C.
Dù vậy, các chuyên gia dự đoán cuộc chiến giành thị phần trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn sẽ khốc liệt, kéo theo lượng tiền lớn đổ vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, Tiki vừa nhận khoản đầu tư 258 triệu USD từ AIA vào tháng 11. Sendo cũng gọi vốn thành công trong vòng Series D tháng 7/2020. Society Pass vừa “lên sàn” Nasdaq Mỹ hôm 9/11 và huy động được 28 triệu USD trong màn ra mắt của mình.
Valerie Vu, Giám đốc công ty đầu tư mạo hiểm Venture Capital thị trường Việt Nam, nhận định, để cạnh tranh trước đối thủ ngoại, người chơi nội phải đầu tư cải thiện hệ sinh thái và củng cố quan hệ đối tác với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.
Trả lời KrAsia, bà nói: “Trong tương lai gần, tôi dự đoán các nền tảng thương mại điện tử Việt sẽ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng để tạo ra chuỗi cung ứng hiệu quả về chi phí và tinh gọn, rút ngắn thời gian giao hàng, đặc biệt với sự trỗi dậy của mô hình cung cấp dịch vụ logistics bên thứ tư và hệ thống logistic micro-fulfillment”.
Bà cũng khuyên công ty trong nước nên mở rộng sang các ngành dọc, chẳng hạn giao thực phẩm tươi sống hay phân phối dược phẩm. Tiki đang đi theo hướng này khi tích hợp vài ứng dụng khác như Infina, Ezin vào nền tảng để trở thành một siêu ứng dụng. Tiki còn vận hành dịch vụ giao đồ ăn TikiNgon với tăng trưởng 2.000%/năm. Tất cả những dịch vụ đó đã mang lại tăng trưởng hai chữ số cho Tiki trong hai năm qua.
Theo ông Behera, người chơi nội địa cần tận dụng cơ hội kinh doanh tốt hơn từ thương mại cộng đồng. Tương tác một – một trên các nền tảng mạng xã hội giúp tạo dựng lòng tin với những người mới mua hàng qua mạng lần đầu. Theo Bloomberg, thương mại cộng đồng chiếm hơn 65% kinh tế bán lẻ trực tuyến trị giá 22 tỷ USD tại Việt Nam. Các nền tảng thương mại điện tử có thể cung cấp hệ sinh thái mua sắm tốt hơn so với các đối thủ như Facebook.
“Nền tảng chính thống đảm bảo hơn về chất lượng sản phẩm, logistics, thanh toán cũng như dịch vụ khách hàng”, ông chia sẻ. Ngoài ra, ông tin “chỉ là vấn đề thời gian” trước khi người chơi nội điều chỉnh và hoàn thiện phương pháp tiếp cận để gia tăng cơ hội thị trường.
Du Lam (Theo Kr-Asia)