Làm thế nào để nông dân lên sàn thương mại điện tử hiệu quả?

“Làm thế nào để lên sàn thương mại điện tử hiệu quả” là câu hỏi của nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VI với chủ đề “Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp”.

Lợi ích lớn khi lên sàn thương mại điện tử

Diễn đàn “Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp” diễn ra sáng 2/11 là sự kiện thường niên nằm trong khuôn khổ Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam năm 2021 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt là đơn vị tổ chức.

Một trong những mục tiêu của Diễn đàn là giúp nông dân tiếp cận nhanh và hiệu quả các công nghệ mới tiên tiến, đẩy mạnh quá trình kết nối, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Từ thực tiễn tại Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đã cung cấp nhiều thông tin làm minh chứng về lợi ích lớn khi đưa nông sản lên sàn.

Năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến. Tỉnh đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên các sàn TMĐT; Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn TMĐT như Alibaba, 24h, Sendo, Postmart, Vỏ Sò…

“Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt hơn 215.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay. Thị trường được mở rộng và có dư địa lớn để phát triển. Trong đó, tiêu thụ trên các sàn TMĐT đạt trên 8.000 tấn”, ông Tuấn nêu số liệu cụ thể.

Ông Tuấn cũng cho biết, tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Trong đó sẽ tập trung hỗ trợ, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các hộ sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp đăng ký tham gia 2 sàn TMĐT Postmart (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) và Vỏ Sò (của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel) để kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số trên các sàn TMĐT, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: B.M

Nông dân còn bỡ ngỡ

Nhìn trên bình diện chung của cả nước, đến nay, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT mới chủ yếu được áp dụng với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, còn đối với các hộ nông dân thì vẫn đang là việc rất mới.

“Làm thế nào để lên sàn thương mại điện tử hiệu quả” vẫn là câu hỏi lớn của rất nhiều nông dân Việt Nam nói chung, và không ít đại biểu trong số 63 nông dân tiêu biểu được vinh dự trực tiếp tham dự Diễn đàn lần này.

“Hiện các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai đã được lên sàn các Postmart, Vỏ Sò, Sendo… Tuy nhiên, các hộ nông dân vẫn còn nhiều khó khăn khi tiếp cận các sàn TMĐT. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận khách hàng qua các trang TMĐT để có cơ hội giới thiệu sản phẩm của địa phương đến khách hàng trong và ngoài tỉnh được tốt hơn. Rất mong có thêm nhiều lớp tập huấn để chúng tôi có cơ hội tiếp cận các sàn TMĐT nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”, bà Nguyễn Thị Thảo, Chủ cơ sở rang xay cà phê nguyên chất Thảo Hiên ở Gia Lai bày tỏ.

Sở hữu 2 trang trại trồng rau, mỗi năm doanh thu 15 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Trâm ở Bắc Ninh cũng đặt ra loạt câu hỏi: Các trang TMĐT có hỗ trợ đặc biệt nào đối với các nông dân không? Kiểm soát giấy tờ đầu vào thế nào để tạo sân chơi lành mạnh cho các sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng trên các trang TMĐT? Có chính sách đào tạo nào với người nông dân tham gia bán hàng trên trang TMĐT ví dụ như đào tạo cách chụp ảnh, livestream, đăng bài trên trang?...

Hợp tác hỗ trợ nông dân lên sàn

Là một doanh nghiệp bưu chính quốc gia, gần đây, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đảm nhận thêm một vai trò mới, đó là hỗ trợ đưa nông dân lên sàn TMĐT.

Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Vietnam Post cho biết, trong năm vừa rồi đã vận hành tốt sàn TMĐT Postmart để đưa người dân nông thôn lên sàn. Hiện đã đưa được gần 2,5 triệu người dân nông thôn lên sàn TMĐT này.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo 2 sàn TMĐT thuần Việt (Postmart và Vỏ Sò) đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, giúp người dân nông thôn chuyển đổi số, thực hiện việc mua bán trên sàn thuận lợi. Với đặc thù mạng lưới nhân viên rộng khắp cả nước, Vietnam Post sẽ phối hợp cùng các địa phương đến tận từng hộ nông dân để tư vấn, giúp họ lên sàn một cách thuận lợi nhất.

“Bưu điện Việt Nam sẽ tham gia sâu trong việc hỗ trợ, tư vấn cho người dân từ cách thu hoạch, chế biến, vận chuyển, bao tiêu sản phẩm… Không chỉ gói gọn ở việc đưa người dân nông thôn lên sàn Postmart mà đây là chuỗi quá trình đồng hành cùng người nông dân để ngày càng đưa ra những sản phẩm chất lượng, giá trị hơn, giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế bền vững”, ông Hào nói.

Cũng tại Diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, xác định vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số, Hội Nông dân Việt Nam sẽ đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số, xây dựng và kết nối các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin và fanpage của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong cả nước.

Bên cạnh đó, sẽ phối hợp xây dựng ứng dụng trên di động (app Store, Google Play) về hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân; Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân; Xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số; Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép (Viettel Pay, VNPT Pay, Postpay của Bưu điện Việt Nam, Momo…) triển khai các loại hình tài chính số hỗ trợ nông dân như cho vay ngang hàng, thanh toán không tiền mặt, mobile money...
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, và ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, đại diện hai đơn vị ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: B.M
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2025.

Một nội dung đáng chú ý của thỏa thuận là phối hợp tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua sàn giao dịch TMĐT Agripostmart.vn, chuỗi cửa hàng Agripostmart của Bưu điện Việt Nam và các điểm giới thiệu, tiêu thụ nông sản, hàng hóa của Hội Nông dân Việt Nam.

Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Nông dân với chuyển đổi số” và Quyết định số 1034 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn.

Bình Minh
0 Nhận xét