Năm nay, Zurich trở thành thành phố trả lương cho lập trình viên cao nhất thế giới, trong khi Bắc Kinh biến mất khỏi danh sách.
Theo hãng dữ liệu cộng đồng Levels.fyi (Mỹ), thành phố Zurich (Thuỵ Sỹ) được bầu chọn là nơi trả lương cho các lập trình viên cao nhất thế giới, với lương trung bình là 200.000 USD/năm. Xếp sau đó là Tel Aviv (Israel) với 190.000 USD/năm, và lần lượt là Sydney, London, Amsterdam, Vancouver, Tokyo, Munich, Dublin và Toronto.
Trong bảng xếp hạng dành riêng cho các thành phố tại Mỹ, dẫn đầu là vịnh San Francisco Area – nơi ở của nhiều nhân viên làm việc tại thung lũng Silicon với mức thu nhập trung bình 240.000 USD, tiếp đó là Seattle và New York tương ứng mức lương 215.000 USD và 190.000 USD.
Đối với các công ty, chủ sở hữu TikTok, công ty ByteDance trụ sở tại Bắc Kinh, dẫn đầu trong danh sách trả lương hào phóng nhất trong số các công ty Trung Quốc. Các kỹ sư cấp cao với hơn 5 năm kinh nghiệm của ByteDance có mức thu nhập trung bình 430.000 USD/năm (năm 2020 là 400.000 USD), xếp ở vị trí thứ 5, đứng sau các đồng nghiệp tại Mỹ đang làm việc cho Netflix, startup công nghệ tài chính Stripe, Pinterest và nhà môi giới trực tuyến Robinhood.
Bắc Kinh, nơi thu hút phần lớn các tài năng công nghệ của Trung Quốc, không có mặt trong danh sách 10 thành phố trả lương cao nhất. Năm 2020, thành phố này đứng vị trí thứ 10 với mức lương trung bình là 100.000 USD.
Mức thu nhập của các lập trình viên sáng giá nhất Trung Quốc có sự tương phản với các lao động thuộc lĩnh vực công nghệ khác. Theo Cục thống kê quốc gia nước này, năm 2020, thu nhập trung bình dành cho “kỹ thuật viên trong lĩnh vực truyền tải thông tin, phần mềm, và dịch vụ công nghệ thông tin” là 199.000 NDT (tương đương 31.258 USD).
Ngành công nghệ Trung Quốc bị tác động mạnh bởi các quy định chặt chẽ của nhà nước trong năm 2021. Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một loạt chiến dịch dẫn tới hàng tỷ USD tiền phạt chống độc quyền, tăng cường giám sát lĩnh vực dạy thêm học thêm và thắt chặt quy định về an ninh mạng, khiến việc phát hành cổ phiếu lần đầu của các công ty trong nước ra nước ngoài trở nên phức tạp.
Trước sự thắt chặt quản lý từ phía chính phủ và tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế, các ông lớn công nghệ như ByteDance, Kuaishou Technology, iQiyi đã mở màn làn sóng cắt giảm nhân sự đối với các nhân công không hiệu quả, hoặc làm việc tại các bộ phận đắt đỏ và dư thừa.
Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg (bảng xếp hạng theo dõi giá trị ròng của 500 người giàu nhất hành tinh), 10 “ông trùm” công nghệ Trung Quốc đã bị mất tổng giá trị tài sản ròng lên tới 80 tỷ USD trong năm 2021.
Vinh Ngô (Theo SCMP)