Sau 10 năm làm nông nghiệp, Bầu Đức nói giờ niềm vui mỗi ngày không còn là đi đánh golf mà thấy những con heo khoẻ mạnh và chuối của HAGL đi nước ngoài liên tục.
Đau đáu trả nợ
"Làm nông nghiệp vất vả lắm, có thời điểm ngày mùng 4 Tết tôi vẫn đi trồng cây nhưng thu được toàn trái đắng", ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa tự lái xe trong khu rừng rộng hàng nghìn ha chuối vừa kể lại.
Trong 10 năm cày cuốc, ông từng trồng đủ các loại cây ăn trái từ chanh dây cho tới bưởi nhưng đến tận bây giờ, "mới mò ra được một loại cây và con phù hợp".
Trồng chuối và nuôi heo đang là hai trụ cột chính giúp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trở lại vạch xuất phát. Đến nay, tổng diện tích trồng cây ăn trái của Hoàng Anh Gia Lai khoảng 10.000 ha với một nửa là diện tích trồng chuối, còn lại là mít, bơ, sầu riêng, xoài... Trong đó, 2.500 ha tại Việt Nam, 1.500 ha tại Lào và 1.000 ha tại Campuchia.
Với heo, HAGL đã xây được 7 cụm chuồng với công suất nuôi khoảng 300.000 con heo thịt mỗi năm. Năm 2022, ông Đức sẽ cải tạo thêm 10.000 ha để trồng chuối và xây dựng thêm 9 cụm chuồng nuôi heo với công suất lên tới 1 triệu con.
Ông Đoàn Nguyên Đức tại xưởng đóng gói chuối ở Gia Lai. Ảnh: Thi Hà |
Trả nợ cũng là đau đáu lớn nhất của người đàn ông tuổi Nhâm Dần này. Vào những ngày cuối năm trước khi sang năm tuổi của mình, ông Đức cho biết HAGL đã giảm nợ từ 36.000 tỷ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng.
"Chắc chưa ai quyết tâm trả nợ mãnh liệt như tôi và ngay chính bản thân tôi cũng không ngờ mình lại nỗ lực để trả được nhanh như thế", ông Đức nói và ước tính chỉ 1-2 năm nữa xoá sạch các khoản nợ.
Theo tính toán của ông, năm 2022, HAGL sẽ bán nốt số cổ phần HNG còn lại và nếu tạm tính theo mệnh giá, số tiền thu về tối thiểu là 2.200 tỷ đồng. Phía Thaco cũng bàn bạc sẽ trả 2.200 tỷ nợ HAGL trong năm 2022. Tổng tiền 4.400 tỷ đồng HAGL sẽ dùng để giảm nợ. Nếu có đối tác phù hợp, HAGL có thể phát hành thêm để có thể tất toán luôn số nợ còn lại.
"Giờ tôi đã có những giấc ngủ ngon. Niềm vui mỗi ngày không phải là đi đánh golf, chơi thể thao cùng bạn bè, hoặc sở hữu bất động sản mà là chứng kiến những con heo phát triển khoẻ mạnh, chuối xuất đi liên tục, tạo uy tín", ông Đức nói.
Trồng chuối và nuôi heo 'ăn chuối'
Cái khó lớn nhất của làm nông nghiệp là đầu ra và bài toán này, năm 2021, ông Đức tự cho mình "đã giải thông suốt".
"Có tháng cao điểm, sản lượng chuối thu hoạch lên tới hàng chục nghìn tấn nhưng chưa bao giờ chúng tôi có khái niệm tồn kho mà đa phần cung chưa đáp ứng hết cầu", ông Đức khoe.
Theo ông, chuối của HAGL được trồng ở độ cao 800m nên dẻo, thơm hơn so với các sản phẩm khác. Đảm bảo cả số lượng và chất lượng là hai yếu tố khiến HAGL được "tuyển thẳng" vào thị trường Trung Quốc.
Để được tham gia vào sàn giao dịch chuối với nhiều đối thủ trên thế giới, HAGL phải đáp ứng được chất lượng của sản phẩm theo tiêu chuẩn của Trung Quốc từ bao bì đóng gói đến kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, số lượng hàng sản xuất ra mỗi năm phải lên tới hàng nghìn tấn.
Sau khi được Trung Quốc thẩm định nguồn hàng, HAGL tự động được kết nối với các "tay to" trên thị trường thông qua sàn hàng hoá với 500 nhà cung ứng. Ông Đức cũng thường khảo sát rất kỹ giá của các đối thủ quốc tế và luôn đưa ra được mức hấp dẫn hơn. "Khi đã có uy tín, chỉ cần chào giá hấp dẫn hơn là được chốt đơn và nhận tiền ngay khi hàng lên tàu", ông nói.
Xướng xử lý và đóng gói chuối của Bầu Đức tại Gia Lai. Ảnh: Thi Hà |
Tại vụ cao điểm, mỗi đợt xuất của công ty này đạt 200-300 container chuối sang Trung Quốc, chưa kể hàng đi ở thị trường Nhật, Hàn Quốc. Ông đánh giá, tiềm năng của thị trường chuối vô cùng "khổng lồ", chỉ tính riêng khách hàng Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ hàng năm đạt đến 18 triệu tấn, trong khi tổng sản lượng của HAGL và HAGL Agrico (HNG) chưa đến 1 triệu tấn. Việc đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng chuối trong năm nay sẽ giúp HAGL có được bức tranh sáng sau 10 năm "trầy trật" làm nông nghiệp.
Giá chuối gần đây trong xu hướng tăng mạnh, trung bình vào khoảng 12.000 đồng một kg, trong khi giá vốn làm ra sản phẩm, theo ông Đức, chỉ 6.500 đồng một kg. Với chuối thải loại để làm cám cho heo, giá tạm tính 4.000 đồng một kg, mỗi ha chuối có thêm 150 triệu đồng lợi nhuận. Bình quân, một ha chuối của HAGL một năm lãi 400 triệu.
Cùng với chuối, nuôi heo cũng đang giúp doanh nghiệp có được lợi nhuận tốt. Theo tính toán của HAGL, mỗi con heo bán ra với giá thông thường có thể thu lãi gộp 25-35%. Hiện, giá thành mỗi con heo mà HAGL sản xuất ra chỉ ở mức 35.000 đồng một kg. Trong khi đó giá thị trường bán ra của heo thông thường đang là 48.000-50.000 đồng.
Thay vì dùng kháng sinh, heo được ăn thảo mộc để tránh bệnh tật. Ngoài ra, HAGL tự chế biến và sản xuất cám cho heo nguyên liệu có sẵn là chuối. Công ty tận dụng những trái chuối được bỏ lại sau khi đã chọn lọc hàng xuất khẩu để chế biến thành nguyên liệu nuôi heo. Thông thường thu hoạch được khoảng 25 kg chuối, ông Đức có thể chỉ chọn 12 kg để xuất khẩu, còn lại để làm nguyên liệu nuôi heo. "Không có chuối thì làm heo không được", ông kể.
Với nhóm heo nái, chuối được ủ chín để cho chúng ăn thêm có sữa nuôi con, còn heo nuôi lấy thịt, trái chuối được sơ chế và phơi khô xay lấy bột trộn với các loại vitamin, đậu nành để tạo ra một công thức riêng đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho chúng phát triển.
Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.820 tỷ, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng. Riêng với việc bán chuối, nuôi heo, kế hoạch của ông Đoàn Nguyên Đức là lợi nhuận nghìn tỷ đồng và doanh thu tỷ USD khi mở rộng quy mô.
Nhưng đây vẫn là kế hoạch, cho tới khi "heo ăn chuối" của ông được bán ra thị trường, dự kiến vào tháng 3 năm nay.
Thi Hà