Nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp thể dục, thể hình (fitness) đẩy mạnh cung cấp dịch vụ từ xa.
Các lệnh giãn cách xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngành công nghiệp thể dục, thể hình. Hãng tư vấn Deloitte ước tính các câu lạc bộ fitness tại châu Âu đã mất 15,4% thành viên, tương đương 10 triệu người. Doanh thu của ngành giảm 2 lần khi khách hàng tạm dừng sử dụng dịch vụ hay yêu cầu hoàn tiền.
Ngành công nghiệp thể dục thể hình chuyển mình trong đại dịch |
Một báo cáo của hãng nghiên cứu ClubIntel cho biết, các câu lạc bộ đóng cửa khiến người dùng phải tìm đến những lựa chọn thay thế khác như đạp xe, câu lạc bộ đi bộ, tham gia các lớp video (chủ yếu là nhảy và đấm bốc), hoặc mua thiết bị tương tác như Peloton hay Mirror.
Cũng theo ClubIntel, nhiều khách hàng đã lựa chọn dịch vụ từ xa của các nhà cung cấp hơn là câu lạc bộ thể hình. Do đó, để giữ chân khách hàng, các câu lạc bộ đã tăng cường xây dựng mô hình kinh doanh đa dạng như video theo yêu cầu hay phát trực tuyến (streaming).
Các khách hàng dường như cũng cởi mở đối với phương án tập luyện từ xa. MindBody, công ty phần mềm fitness, cho biết, chỉ 7% khách hàng sử dụng các bài tập phát trực tiếp (livestream) năm 2019, song con số này đã tăng hơn 80% trong thời kỳ đại dịch.
Helen Durkin, Phó Chủ tịch điều hành chính sách công của Hiệp hội Câu lạc bộ thể thao và sức khỏe quốc tế (IHRSA), khẳng định rất khó để các câu lạc bộ thể dục, thể hình dự đoán đại dịch tác động tới ngành công nghiệp này như thế nào, Nhưng “sự cần thiết phải chuyển đổi đa kênh đã được đề cập tới và một số đã lên kế hoạch để thực hiện”.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, hơn 350 ngàn huấn luyện viên thể hình đã chuyển sang các lớp trực tuyến. Nhiều người trong số họ sử dụng các ứng dụng phát video không chuyên dụng cho thể hình như Zoom, Instagram Live, FaceTime và YouTube. 72% chủ sở hữu câu lạc bộ thể hình cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu hoặc phát trực tiếp buổi tập luyện.
Các công ty công nghệ lĩnh vực thể dục, thể hình đã nhảy vào trợ giúp những doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi để nâng cao cạnh tranh với các đối thủ kỹ thuật số của họ.
ClassPass, nhà cung cấp dịch vụ thể dục, thể hình chủ yếu trên phương thức truyền thống, đã ra mắt nền tảng video trên website để hỗ trợ huấn luyện viên chuyển đổi sang phương thức số. Aaptiv, công ty dẫn đầu trong mảng dịch vụ âm thanh fitness, ký kết hợp tác với Xponential, nhà đại diện của nhiều trung tâm tập luyện nhằm xây dựng nội dung cho người dùng.
Trong khi đó, các công ty tiên phong ứng dụng kỹ thuật số khác đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể suốt thời kỳ đại dịch. Doanh số của hãng thể hình tương tác tại nhà Mirror tăng gấp đôi kể từ khi Covid-19 lan tới Mỹ. Số lượt đăng ký mới trung bình hàng ngày vào nền tảng phát sóng tập luyện NEOU tăng 600% chỉ trong một tuần.
Nghiên cứu của Research Dive cho thấy, phát trực tiếp các bài tập có thể tạo ra doanh thu hơn 25 tỷ USD giai đoạn vào năm 2027, so với mức gần 2,5 tỷ USD năm 2019. Con số này được thúc đẩy đáng kể nhờ các ưu điểm như bài tập phong phú, tiện lợi và thoải mái. Không những vậy, livestream còn phù hợp với nhiều loại hình tập luyện như yoga, pilates, nhảy… vốn đang có nhu cầu rất lớn.
Vinh Ngô (Tổng hợp)