Ngành thời trang chuyển dịch lên online để thích ứng sau đại dịch

Thói quen tiêu dùng có nhiều thay đổi sau đại dịch, ngành thời trang đang mở rộng dần sang kinh doanh online.
Anh Nguyên (Tân Bình, TP.HCM) đang xếp hàng chờ thanh toán tiền ở cửa hàng Uniqlo (Bình Thạnh, TP.HCM) thì một nhân viên tiếp cận, mời anh cài đặt ứng dụng và đăng ký thành viên. Sau khi đăng ký thành viên thành công, anh Nguyên sẽ được trừ 150.000 đồng trên hoá đơn.

Trong hàng dài người xếp hàng chờ thanh toán hôm đó, khá nhiều người khác được mời chào đăng ký thành viên để được giảm 150.000 đồng. Hầu hết mọi người đều chấp nhận đề nghị này.

Trước đó, vào tháng 11/2021, hãng bán lẻ thời trang Nhật Bản này mở bán kênh online trên trang uniqlo.com. Thay vì gọi sự kiện này là mở bán trên mạng, hãng gọi nó là “cửa hàng Uniqlo online” - cửa hàng Uniqlo lớn nhất Việt Nam - với hơn 15.000 sản phẩm, nhằm nhấn mạnh mảng trực tuyến như một cửa hàng độc lập, không phải một kênh bán phụ trợ.
Hình ảnh hôm khai trương cửa hàng Uniqlo trực tuyến. (Ảnh: Uniqlo)
Ngoài số lượng sản phẩm lớn hơn cửa hàng vật lý, hãng thời trang Nhật tạo sự khác biệt cho kênh bán này bằng việc ra mắt một số bộ sưu tập chỉ bán online, thêm khuyến mại khi hoá đơn đạt một số tiền nhất định. Ngoài ra, khách hàng có thể chọn mua trên ứng dụng hoặc website, sau đó nhận hàng tại cửa hàng vật lý, nhằm tạo quá trình mua sắm liền mạch giữa hai kênh.

Việc mở cửa hàng online của Uniqlo có lẽ nằm trong kế hoạch trước đó của hãng, sau khi đã có 9 cửa hàng vật lý kể từ khi tham gia thị trường Việt Nam hơn hai năm trước. Song không thể phủ nhận rằng, thói quen mua sắm online của người dân sau đại dịch đã tạo động lực không nhỏ cho thương hiệu này lên online.

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng may mặc trong 9 tháng đầu năm 2021 giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này do ảnh hưởng của đại dịch, người dân phải ở nhà và các cửa hàng bán lẻ đóng cửa trong một khoảng thời gian khá dài.

Trong số 8 doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tập trung kinh doanh nội địa, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng 105,7% về doanh thu bán lẻ trong 9 tháng của năm 2021; các doanh nghiệp khác đều giảm 30 - 40% doanh thu. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn của đại dịch đến ngành may mặc.

Dẫu vậy, dịch bệnh không chỉ tác động tiêu cực tới ngành thời trang Việt Nam mà sức ảnh hưởng lan trên toàn cầu. Trong gần hai năm qua, nhiều doanh nghiệp may mặc tại châu Âu và Mỹ phải chịu phá sản, hoặc giảm 30-50% quy mô cửa hàng.

Để đối phó với việc người dân hạn chế đến cửa hàng vật lý và thích ứng với thị hiếu mới của khách hàng sau đại dịch, đa số các công ty bán lẻ thời trang và các hãng thời trang dù non trẻ hay lâu đời đều dịch chuyển dần lên thương mại điện tử.

Về tiềm năng của mảng bán hàng online, theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam đang ở thời kỳ đầu phát triển và sẽ có nhiều dư địa trong 5 năm tới.

Đánh giá của Asia Plus cho rằng sự thay đổi trong hành vi mua sắm của những người ở lứa Millennials (8X, 9X) và Centennial (10X) sẽ tạo nên sức hút mới cho thị trường. Lứa này hiện nay không chỉ mua sắm tại các cửa hàng thời trang truyền thống mà còn quen thuộc với việc mua hàng trên sàn thương mại điện tử lẫn các trang mạng xã hội.

Như doanh nghiệp duy nhất của Vinatex có doanh thu dương trong năm 2021 kể trên là nhờ hoạt động đầu tư từ những năm trước. Ngoài ra, công ty này kết hợp cả kênh trực tiếp và trực tuyến để khai thác nhóm khách hàng mới.

Một lợi thế khi đưa hàng hoá lên online là sự đa dạng về mẫu mã mà quy mô của cửa hàng vật lý không thể trưng bày hết. Đó là lý do Uniqlo tuyên bố cửa hàng online khai trương năm ngoái là cửa hàng lớn nhất trong hệ thống của họ. Ngoài ra, hãng này còn nhấn mạnh sẽ có quần áo các size từ XS đến XXL chỉ dành riêng cho cửa hàng online.

Sự đa dạng về hàng hoá và kích cỡ chính là một lợi thế lớn của các thương hiệu thời trang khi đưa sản phẩm lên mạng.

Chị Uyên (Tân Phú, TP.HCM) thông thường vẫn ra cửa hàng Biti’s để sắm giày cho cả nhà, nhưng mới gần đây khi vô tình lướt trên các sàn thương mại điện tử thì thấy nhãn này có mở gian hàng chính hãng trên Tiki, Lazada, Shopee.

“Tôi quyết định mua giày Biti’s trên Lazada vì có thể chọn nhiều mẫu mã, kích cỡ hơn so với cửa hàng truyền thống”, chị Uyên cho biết.

Dù đã quen với việc mua sắm trên mạng, song đối với mặt hàng thời trang, chị Uyên vẫn chỉ chọn mua tại các gian hàng chính hãng của các thương hiệu, hoặc mua của những người bán có bảo đảm trên các sàn thương mại điện tử, nhằm bảo đảm chất lượng và có chế độ đổi trả.

Theo báo cáo của CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), xu hướng mua sắm trực tuyến mặt hàng thời trang trên kênh thương mại điện tử sẽ ngày càng phổ biến hơn.

Nguyên nhân chủ yếu là nhờ việc quản lý chất lượng hàng hóa trên các trang thương mại điện tử đã tốt hơn, nhiều quy định chặt chẽ hơn về hình ảnh và mô tả sản phẩm giúp cải thiện lòng tin của người tiêu dùng với quần áo trên mạng.

Hải Đăng
0 Nhận xét