Theo CNBC, 10 năm là chặng đường dài đầy thách thức với Facebook. Thành tựu tăng trưởng doanh thu gấp 25 lần 'đổ bể' chỉ sau 1 năm sóng gió, metaverse bị coi là món 'đồ chơi' bị chính CEO tiêu khiển.
Mark Zuckerberg |
Một thập kỷ trước, Facebook tuyên bố đổ tiền vào các ứng dụng phục vụ chiếc điện thoại thông minh. Công ty này cho rằng thiết bị di động chính là chìa khóa cho sự tăng trưởng vượt bậc, dù vào thời điểm đó, nó không hề “trực tiếp tạo ra bất kỳ doanh thu có ý nghĩa nào”.
Thông điệp trên được Facebook nhắc đến trong lần IPO phát hành lần đầu ra công chúng cách đây 10 năm trên sàn Nasdaq. Khi đó, đây được coi là một trong những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu lớn nhất từ trước đến nay của một công ty công nghệ Mỹ. Vốn hóa thị trường hơn 100 tỷ USD ngay lập tức biến Facebook trở thành một trong những Big Tech giá trị nhất hành tinh.
Theo CNBC, doanh thu Facebook hiện đã gấp hơn 25 lần so với hồi năm 2012. Đến năm 2018, hơn 90% doanh số bán hàng đến từ các thiết bị di động. Thời điểm đỉnh cao nhất, vốn hoá tập đoàn này còn chạm mốc 1.000 tỷ USD, phần lớn nhờ vào sức mạnh của các ứng dụng cốt lõi.
Ngày nay, Facebook đã đổi tên thành Meta. Sáu Giám đốc điều hành hàng đầu kể từ những ngày IPO giờ chỉ còn lại 2 người: đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg và Giám đốc điều hành Sheryl Sandberg.
Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau khi Facebook tuyên bố chi ra khoảng 10 tỷ USD trong năm 2022 để phát triển các công nghệ xây dựng vũ trụ ảo metaverse, một thế giới làm việc và giải trí được truy cập thông qua thiết bị VR.
Cảm giác của giới đầu tư lúc này cũng giống như hồi năm 2012, tức không thể khẳng định rằng liệu tầm nhìn mới này của Zuckerberg có đi đúng hướng như những gì vị tỷ phú sắp đặt hay không.
“Tôi tự hỏi Meta sẽ lớn lên như thế nào và ai sẽ là người chiến thắng’’, Brian Yacktman, Giám đốc đầu tư của YCG Investments cho biết.
FACEBOOK LIỆU CÓ THỰC LÀ MÓN “ĐỒ CHƠI”?
Thắc mắc vẫn chưa tìm được câu trả lời, song tương lai mù mịt của metaverse được cho là một trong những nguyên do khiến cổ phiếu tập đoàn lao dốc 47% kể từ mốc kỷ lục hồi tháng 9/2021, mức tồi tệ nhất trong số 6 tập đoàn công nghệ giá trị nhất nước Mỹ. Nguyên nhân là bởi lượng người dùng sụt giảm lần đầu tiên trong quý IV/2021 cùng sự thay đổi trong chính sách quyền riêng tư của Apple đang ảnh hưởng đến khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo của Facebook.
Ngoài ra, những lùm xùm xoay quanh bê bối rò rỉ dữ liệu nội bộ cũng khiến hình ảnh Facebook không còn đẹp như trước. Những lá đơn kiện ngày một nhiều, và đau lòng hơn, lại được đệ trình bởi chính những cựu nhân viên từng gắn bó.
Mới đây nhất, CEO Mark Zuckerberg còn bị Bộ trưởng Tư pháp Karl Racine đệ đơn kiện với các cáo buộc có liên quan đến bê bối của công ty dữ liệu Cambridge Analytica hồi năm 2018. Vào thời điểm đó, nhiều thông tin cho thấy ít nhất 87 triệu người dùng Facebook đã bị thu thập dữ liệu trái phép, trong đó, Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico… là những quốc gia bị thu thập nhiều hơn cả.
Zuckerberg theo đó bị cho là đã tạo điều kiện để Facebook đánh lừa người dùng trước những hành vi sai trái, "cung cấp thông tin trực tiếp về các chính sách nội bộ liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu trên nền tảng, đồng thời xem xét sử dụng dữ liệu từ một số ứng dụng’’.
Những lùm xùm trên, cùng xu hướng bán tháo chung của các cổ phiếu công nghệ, đã khiến Meta liên tục chìm trong sắc đỏ. Trong phiên giao dịch hôm 24/5, Meta bốc hơi 53 tỷ USD giá trị vốn hoá sau khi cổ phiếu cắm đầu lao dốc 10%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lời cảnh báo của đối thủ cùng ngành Snap khi cho rằng hoạt động kinh doanh quý II của đa số các công ty công nghệ sẽ vô cùng khó khăn, theo Business Insider. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng quan ngại về sự suy thoái của nền kinh tế và doanh số bán hàng tiêu dùng.
“Giống như nhiều công ty khác, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với lạm phát, đà tăng lãi suất, thiếu hụt chuỗi cung ứng, lao động và cả những tác động từ xung đột Nga-Ukraine”, CEO Evan Spiegel Snap chia sẻ.
Các nhà đầu tư không còn đặt nhiều niềm tin vào Meta hay Mark Zuckerberg |
Tất nhiên, đó cũng chỉ là một phần nguyên nhân khiến cổ phiếu Meta bị bán tháo. Cốt lõi nhất vẫn là từ phía các nhà đầu tư - những người không còn đặt nhiều niềm tin vào Meta hay Mark Zuckerberg.
Theo ông Yacktman, đà bán tháo phản ánh một phần quan điểm của thị trường, rằng metaverse rốt cuộc chỉ là một hố sâu “chôn vùi” hàng tỷ USD, hay đúng hơn, là món “đồ chơi” mà Zuckerberg tiêu khiển.
Dẫu vậy, ở thời điểm hiện tại, Facebook vẫn là tập đoàn lớn trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số Mỹ, một thị trường mà Insider Intelligence dự kiến sẽ mở rộng thêm gần 50% trong năm 2025.
Ngoài ra, khi nói về việc “dân số” sụt giảm, đa số các chuyên gia đều cho rằng vấn đề của Facebook đang bị truyền thông phóng đại quá mức. Lượng người dùng theo ngày của Facebook vẫn đạt 2 tỷ người, tức gần 1/3 dân số toàn cầu. Việc sụt giảm 1 triệu người dùng tại Ấn Độ trong quý IV/2021 chỉ là một phần hệ quả của đà tăng giá dữ liệu di động.
NHÌN LẠI LẦN IPO THẾ KỶ
Theo CNBC, 10 năm là chặng đường dài đầy thách thức với Facebook.
Sáu Giám đốc điều hành hàng đầu kể từ những ngày IPO giờ chỉ còn lại 2 người: đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg và Giám đốc điều hành Sheryl Sandberg |
Hồi năm 2012, Facebook đã huy động được 16 tỷ USD. Đây được coi là đợt IPO lớn thứ 3 nước Mỹ từ trước đến nay, chỉ sau tập đoàn dịch vụ tài chính quốc gia Visa vào năm 2008 và tập đoàn xe hơi General Motors vào năm 2010. Thời điểm đó, trong ngành công nghệ, công ty lớn nhất là Agere Systems, song cũng chỉ huy động được khoảng 4,1 tỷ USD.
Thế rồi Facebook xuất hiện, nổi lên như một thương hiệu thống trị Internet với hơn 500 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày trên toàn cầu và 1 tỷ USD doanh thu hàng quý. Định giá của Facebook khi đó vượt ngoài sức tưởng tượng khi cổ phiếu luôn thuộc hàng “hot” và được một loạt các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ tương hỗ và đầu cơ ưu ái.
Tuy nhiên, do những lo ngại xoay quanh triển vọng Facebook cũng như vụ lùm xùm không tiết lộ thông tin cần thiết khi IPO, cổ phiếu công ty truyền thông xã hội này kết phiên giao dịch đầu tiên một cách rất ảm đạm, sau đó giảm tiếp 19% trong 2 phiên tiếp theo. Mãi cho đến tháng 8/2013, tức 14 tháng sau khi ra mắt, cổ phiếu Facebook mới bắt đầu phục hồi.
“Phân tích rất đơn giản: Facebook sẽ trở thành một nền tảng quảng cáo mạnh mẽ”, một chuyên gia nói. Mô hình có thể so sánh duy nhất với nó là Google. Facebook bằng 1 phần đáng kể của Google’’.
CEO Mark Zuckerberg |
Được biết vị chuyên gia này cũng đầu tư vào cổ phiếu Facebook, dù bản thân chưa bao giờ đồng tình với cách trang mạng này bảo vệ quyền riêng tư người dùng. “Tôi đã phá vỡ một trong những quy tắc của chính mình’’, anh nói.
Dẫu vậy, đây vẫn là một vụ cá cược béo bở. Tính đến cuối năm 2013, quảng cáo trên thiết bị di động chiếm 45% doanh thu quảng cáo Facebook, tăng so với mức 11% hồi năm 2012. Từ năm 2013 đến 2018, tăng trưởng doanh thu của Facebook cũng đạt trung bình khoảng 50%/năm.
LÙM XÙM BỦA VÂY
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, sau vụ lùm xùm từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Zuckerberg bị cáo buộc lan tràn thông tin sai sự thật. Bê bối làm rò rỉ dữ liệu của ít nhất 87 triệu người dùng có liên quan đến công ty Cambridge Analytica hồi năm 2018 cũng khiến Facebook mất dần niềm tin từ phía người dùng.
Sau khi sự thật này bị phanh phui, CEO Mark Zuckerberg thẳng thắn thừa nhận rằng Facebook đã làm sai và thất bại trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng.
"Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của các bạn và nếu chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi không xứng đáng được phục vụ các bạn", Zuckerberg chia sẻ trên trang cá nhân Facebook.
Meta hiện đang phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm trong quý II. |
Thêm vào đó, lá đơn kiện của cựu nhân viên Facebook Frances Haugen hồi năm 2021 càng khiến nhiều nghi vấn được đặt ra với vị CEO quyền lực. Bà công khai cáo buộc mạng xã hội này liên tục tác động tiêu cực đến sức khoẻ tinh thần một số thanh thiếu niên, đồng thời "vạch trần" rằng Instagram khiến "32% các cô gái tuổi teen cảm thấy ghét cơ thể của mình’’ hơn.
Facebook sau đó bắt đầu một cú trượt dài, nhất là sau khi đổi tên thành Meta. Ngày giao dịch tồi tệ nhất, cổ phiếu hãng giảm tới 26% sau thông tin Apple thay đổi quyền riêng tư.
Khác xa với những bước đi thần tốc của vài năm trước đó, Meta hiện đang phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm trong quý II. Nguyên nhân một phần đến từ lạm phát, căng thẳng xung đột Nga-Ukraine và sự bành trướng của các ứng dụng mới nổi như TikTok.
Mark Zuckerberg, người vừa bước sang tuổi 38 lại không quan tâm nhiều đến điều này. Thay vào đó, anh tập trung vào metaverse và Meta Reality Labs, dù nó đã lỗ gần 3 tỷ USD trong quý đầu tiên.
Mark Zuckerberg “bao biện” rằng metaverse là một chiến lược dài hạn và sẽ không thể phát triển đầy đủ chỉ trong một thập kỷ.
"Facebook có lòng dũng cảm, vốn liếng và khả năng để trở thành một người chơi lớn trong cuộc đua công nghệ. Công ty này không được phép sai sót", một chuyên gia cùng ngành cho biết.
Dẫu vậy, những người trong cuộc và giới đầu tư vẫn lo lắng về thách thức hiện tại của Meta. Họ sợ rằng, xét trên phương diện tiêu cực, Meta cuối cùng vẫn chỉ là “chiếc bình mới” đựng “lượng rượu cũ” mà Mark Zuckerberg tốn công vô ích thay đổi.
Theo: CNBC, Bloomberg