Nhiều hãng sản xuất thiết bị lớn vẫn chưa sẵn sàng tham gia vào các hoạt động thu hồi và tái chế rác thải điện tử an toàn, đảm bảo môi trường sống cho người dân Việt Nam.
Các hãng sản xuất thiết bị điện tử lớn phải có trách nhiệm đối với việc thu hồi và tái chế sản phẩm điện tử đã qua sử dụng tại Việt Nam. |
Các hãng điện tử phải thu hồi sản phẩm qua sử dụng
Theo Nghị định 45/2002 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 45, đó là quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường.
Những năm gần đây, số lượng thiết bị công nghệ tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Điều này khiến cho vấn đề rác thải điện tử ngày càng tạo áp lực lớn đến người dân và Chính phủ. Trong khi đó, hoạt động thu gom các sản phẩm này do những người thu mua phế liệu thực hiện. Một lượng lớn rác thải điện tử sẽ được chuyển ra ngoại ô các thành phố lớn, vùng nông thôn để phân rã bằng phương pháp thủ công. Việc xử lý rác thải điện tử theo cách này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường. Những người trực tiếp tham gia vào việc tái chế hoặc sống xung quanh khu vực tập trung rác thải điện tử đã bị mắc nhiều loại loại bệnh ung thư.
Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, từ 1/7/2016, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là ắc-quy và pin các loại; một số thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt, săm, lốp các loại. Cũng từ thời điểm này, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn, các thiết bị máy văn phòng, điện thoại di động, máy tính bảng, đầu đĩa, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt.
Cụ thể là các hãng sản xuất thiết bị điện tử phải có trách nhiệm tổ chức hoạt động thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc hãng sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do hãng sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu...
Ngoài ra, các cơ sở phân phối có trách nhiệm phối hợp với hãng sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của hãng sản xuất; lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi theo quy định.
Nhiều đại gia công nghệ vẫn "quên" chuyện thu hồi, tái chế
Một câu hỏi đặt ra là các hãng sản xuất thiết bị điện tử đã thực hiện trách nhiệm thu hồi, tái chế sản phẩm qua sử dụng tại Việt Nam như thế nào?
Trả lời VietnamNet về vấn đề này, đại diện Vietnam Recycles (Việt Nam tái chế) - liên minh giữa hai hãng công nghệ hàng đầu là HP và Apple để thu gom và tái chế rác thải miễn phí cho hay, tổ chức này chỉ có 2 thành viên là HP và Apple đang còn tham gia tại Việt Nam. Trước đây có Microsoft cũng thu gom rác thải điện tử, nhưng sau đó họ không còn bán điện thoại nên không tham gia.
Đại diện Vietnam Recycles chỉ ra lỗ hổng về pháp lý của Việt Nam dù đã quy định chi tiết trách nhiệm của các hãng sản xuất thiết bị đối với việc tái chế rác thải điện tử nhưng lại không đặt ra hạn mức rõ ràng đối với tỷ lệ sản phẩm thải bỏ như ở các nước châu Âu nên nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử chỉ thành lập điểm thu gom và có kết quả không như kỳ vọng.
Tại châu Âu, Nhật và Mỹ từ lâu đã có quy định buộc các nhà sản xuất, bán lẻ và nhập khẩu phải trả chi phí cho việc thu gom và xử lý rác điện tử. Đồng thời, cũng quy định trong số các thiết bị điện khí, điện tử nhập khẩu phải hạn chế sử dụng những chất độc hại như: chì, thủy ngân...
Trả lời VietnamNet trước đó, bà Monina de Vera-Jacob, Quản lý bộ phận môi trường khu vực Đông Nam Á thuộc HP châu Á – Thái Bình Dương cho rằng các hãng sản xuất thiết bị điện tử lớn như Samsung, LG… phải có trách nhiệm đối với việc thu hồi và tái chế sản phẩm điện tử đã qua sử dụng tại Việt Nam.
Theo bà Monina de Vera-Jacob, tại nhiều nước châu Âu, quy định về việc thu gom và tái chế rác thải điện tử đã được luật hóa nhằm buộc các hãng sản xuất thiết bị điện tử phải có trách nhiệm đối với sản phẩm đã qua sử dụng của mình. Tỷ lệ sản phẩm điện tử có khả năng tái chế phải đạt mức 40%. Nghĩa là tất cả các hãng sản xuất thiết bị phải tuân thủ quy định cứ 100 sản phẩm được bán ra thì 40 sản phẩm có thể được tái chế sau khi bị thải bỏ.
Việt Nam tái chế đã áp dụng thí điểm mô hình tái chế rác thải điện tử theo phương pháp mới. Trong đó, mọi khâu của quy trình xử lý rác thải điện tử như thu thập, phân tách, tái chế theo tiêu chuẩn hiện đại sẽ được tiến hành tại các cơ sở bên trong lãnh thổ Việt Nam. Đầu ra của quá trình xử lý này sẽ là những sản phẩm an toàn và đảm bảo tối đa lượng tài nguyên thu được sau tái chế.
Từ ngày 1/11/2021 Việt Nam tái chế bắt đầu áp dụng danh mục thu gom mới, tập trung nhiều hơn vào những thiết bị mà các thành viên đang sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Thay đổi này để phù hợp với sự điều chỉnh Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, Việt Nam tái chế sẽ tập trung thu gom các thiết bị như điện thoại di động, máy tính bảng, máy vi tính (CPU, Laptop,…), màn hình máy vi tính LCD, CRT, máy in, máy fax, máy scan, máy photocopy và linh kiện điện tử có liên quan đến công nghệ thông tin…
Với thiết bị không phải do các thành viên trong liên minh sản xuất như pin tiểu, tivi CRT, điện tử gia dụng … Việt Nam tái chế sẽ không tiếp tục thu gom kể từ thời hạn nêu trên; việc thu hồi, tái chế những thiết bị đó thuộc về trách nhiệm của nhà sản xuất để tuân thủ với quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường. Vì thế, người tiêu dùng có thể liên hệ với hãng sản xuất của thiết bị không được Việt Nam tái chế thu gom để được hỗ trợ, tránh thải bỏ không đúng cách gây ô nhiễm môi trường.
Thái Khang