The Coffee House từng được định giá hơn 1.100 tỷ đồng.
Chuỗi cafe được định giá nghìn tỷ
The Coffee House là một trong những chuỗi cafe lớn nhất Việt Nam về quy mô và doanh thu. Theo số liệu thống kê của Statista đến tháng 4 năm nay, chuỗi này đứng thứ 3 về số lượng cửa hàng, chỉ sau Highlands Coffee và Trung Nguyên.
Ra đời năm 2014, The Coffee House xuất phát từ giấc mơ về một “ngôi nhà cafe” của nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh – người trước đó được biết đến với vai trò đồng sáng lập chuỗi cafe Urban Station. The Coffee House mở rộng một cách nhanh chóng và chỉ sau 3 năm ra đời, thương hiệu này đã có 60 cửa hàng tại TP HCM.
Năm 2018, Nikkei đánh giá startup của Nguyễn Hải Ninh là chuỗi phát triển nhanh nhất trong các công ty khởi nghiệp về cà phê ở Việt Nam. Đến nay, chuỗi có 155 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, theo thông tin trên trang web của hãng.
The Coffee House là một trong những chuỗi cafe lớn nhất Việt Nam về quy mô và doanh thu. Ảnh: The Coffee House |
Bên cạnh việc kinh doanh chuỗi trà và cafe, The Coffee House từng có tham vọng mở rộng hoạt động sang mảng trà sữa. Năm 2017, công ty mua nhượng quyền thương hiệu Ten Ren của Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên chỉ chưa đầy 2 năm sau, toàn bộ 23 cửa hàng Ten Ren dừng hoạt động tại Việt Nam vì kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.
The Coffee House hiện thuộc Seedcom – doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái bán lẻ bao gồm nhiều công ty như Juno, AhaMove, Giao Hàng Nhanh… Năm ngoái, Seedcom huy động 50 tỷ đồng bằng trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động và đầu tư vào các công ty con. Tài sản đảm bảo là hơn 1,8 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (đơn vị vận hành The Coffee House) với giá trị hơn 200 tỷ đồng. Điều này tương đương với việc The Coffee House được định giá hơn 1.100 tỷ đồng.
Tháng 6 vừa qua, The Coffee House tăng vốn điều lệ từ 108,4 tỷ đồng lên 120,6 tỷ đồng, trong đó quỹ Ficus Asia Investment nắm hơn 23% cổ phần. Ficus đăng ký kinh doanh tại Singapore và được sáng lập bởi ông Đinh Anh Huân – đồng sáng lập Thế Giới Di Động và cũng là đồng sáng lập Seedcom. Năm 2020, TechInAsia từng đưa tin Ficus đã huy động 50 triệu USD từ EWTP Capital – quỹ đầu tư được chống lưng bởi Alibaba và Ant Financial.
Liên tục thay “tướng”
Sau khi nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh rời ghế CEO, vị trí giám đốc điều hành được đảm nhiệm bởi ông Mai Hoàng Phương. Ông Phương là một trong những thành viên sáng lập và từng làm CEO của Seedcom. Doanh nhân sinh năm 1975 này cũng từng làm CEO của các công ty con như Juno và Cầu Đất Farm.
Đến tháng 7/2021, The Coffee House một lần nữa thay CEO. Người ngồi “ghế nóng” lần này là ông Lê Bá Nam Anh – sinh năm 1988. Ông Nam Anh từng theo học trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận học bổng của Đại học Dartmouth (một trường thuộc nhóm Ivy League) và rất nổi tiếng trong giới du học sinh Việt Nam tại Mỹ.
Trước khi trở thành CEO, ông Nam Anh đã làm việc cho Seedcom từ tháng 4/2019 và giữ vị trí Phó Tổng giám đốc The Coffee House từ đầu năm 2021. Tháng 3 năm nay, ông Nam Anh đầu quân cho Masan Group.
Từ trái qua phải và từ trên xuống dưới: Ông Nguyễn Hải Ninh, Mai Hoàng Phương, Lê Bá Nam Anh và Ngô Nguyên Kha |
Người đại diện pháp luật và CEO The Coffee House hiện nay là ông Ngô Nguyên Kha. Ông Kha vốn là một nhân vật có tiếng trong ngành sản xuất điện thoại di động Việt Nam. Doanh nhân sinh năm 1971 là đồng sáng lập và cựu CEO Mobiistar. Đây là thương hiệu smartphone Việt từng có thời nằm trong Top 5 hãng điện thoại có thị phần lớn nhất thị trường Việt Nam.
Ông Kha gia nhập Seedcom vào tháng 5/2020. Trước đó một năm, doanh nhân này đã tham gia một số công việc ở Juno và Hnoss với vai trò cố vấn cho ban giám đốc. Thời gian đầu làm việc tại Seedcom, ông Kha được biết đến với vị trí Tổng giám đốc Fashion Group (một công ty thuộc Seedcom).
Lỗ hơn 360 tỷ đồng trong hai năm Covid-19
Tác động từ đại dịch Covid-19 và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường khiến kết quả kinh doanh của The Coffee House có xu hướng đi xuống trong những năm gần đây. Năm 2019, doanh thu thuần của chuỗi này là gần 862 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này giảm xuống còn 735 tỷ đồng năm 2020 và 475 tỷ đồng vào năm 2021.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Biên lợi nhuận gộp của The Coffee House đều trên 70% trong ba năm gần đây – mức cao so với nhiều chuỗi cafe khác trên thị trường. Tỷ lệ này của Starbucks Việt Nam năm 2019 vào khoảng 19,3% và đến năm 2021 chỉ là 1,3%. Tuy nhiên, The Coffee House vẫn lỗ do chi phí bán hàng cao. Trong hai năm Covid-19 (2020 và 2021), chi phí bán hàng của chuỗi này đều lớn hơn lợi nhuận gộp.
Cụ thể, The Coffee House ghi nhận khoản lỗ 80,6 tỷ đồng vào năm 2019. Đến năm 2020, chuỗi này lỗ 111 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 249,3 tỷ đồng vào năm ngoái. Lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối năm 2021 là gần 434 tỷ đồng. Hết năm ngoái, vốn chủ sở hữu của The Coffee House âm hơn 23 tỷ đồng.
Về phía công ty mẹ của The Coffee House, Seedcom cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 238 tỷ đồng vào năm ngoái và lỗ gần 193 tỷ đồng trong năm trước đó.
"Dịch bệnh giai đoạn 2020 - 2021 đã kéo Seedcom đi lùi lại 2 năm", Nhịp Sống Kinh Tế dẫn lời chia sẻ của nhà sáng lập Đinh Anh Huân trong buổi trò chuyện mới đây.
Theo ông Huân, “giai đoạn dịch bệnh các công ty Seedcom đã rất khó khăn, nhiều tháng liền hầu như không có doanh thu nhưng chi phí hàng tháng vẫn rất lớn để duy trì mạng lưới điểm bán, duy trì đội ngũ nhân sự để cùng vượt qua khó khăn”.
Năm 2021, một số nguồn tin cho biết Seedcom đã bán lại Cầu Đất Farm cho Nova Comsumer. Trước đó, công ty này mua lại Cầu Đất Farm với mục tiêu sản xuất nguyên liệu trà – cà phê cho The Coffee House, rau củ quả cho chuỗi KingFood Mart; đồng thời có chất liệu tốt để làm thương hiệu cho mảng F&B trong danh mục đầu tư.
Đóng cửa cửa hàng Signature, mở ki-ốt
Tháng 10 năm ngoái, thông tin cửa hàng The Coffee House Signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q3, TP HCM) dừng hoạt động khiến nhiều người tiếc nuối. Mô hình Signature được The Coffee House mở ra vào tháng 4/2018, hoạt động tương tự mô hình Reserve của Starbucks - thiên nhiều về trải nghiệm với tệp khách hàng cao cấp hơn.
Chia sẻ với truyền thông, ông Lê Bá Nam Anh (CEO The Coffee House tại thời điểm đó) cho biết quyết định đóng cửa nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp tình hình dịch, đáp ứng nhu cầu mới của người dùng.
"Việc đóng cửa cơ sở nằm trong lộ trình phát triển của chuỗi, là động thái nhằm tối ưu chi phí vận hành trong mùa dịch. Mình cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn lực cho những chuyển đổi mới", ông Nam Anh nói.
The Coffee House Signature thiên nhiều về trải nghiệm. Ảnh: The Coffee House |
Chuỗi cafe này sau đó cũng ra mắt mô hình The Coffee House Now, hoạt động theo hệ thống ki-ốt, chuyên phục vụ mua mang đi. Công ty chọn hướng tích hợp vào các siêu thị tiện lợi hoặc đặt điểm bán "thu nhỏ" tại các trục đường chính... Cửa hàng đầu tiên trong chuỗi mới được tích hợp vào siêu thị Kingfoodmart Phạm Hùng (TP HCM).
Theo đại diện The Coffee House, ki-ốt khi kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường, nơi có mật độ người tiêu dùng cao, sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm của thương hiệu này theo cách tiện lợi và hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, chuỗi kinh doanh mới có thể đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng nhờ hình thức tự phục vụ.
"Mô hình xe đẩy sẽ mang đến một The Coffee House thu nhỏ khắp Việt Nam", ông Nam Anh kỳ vọng.
Trên thực tế, trước The Coffee House, hàng loạt chuỗi F&B khác ở Việt Nam cũng áp dụng các mô hình thu nhỏ để thích ứng với đại dịch. Thương hiệu trà và cà phê Phúc Long đã triển khai mô hình ki-ốt tại các cửa hàng VinMart+. Trong khi đó, Highlands Coffee, McDonald’s, Ông Bầu, Otoke Chicken... cũng thử nghiệm mô hình ki-ốt, xe đẩy bán hàng.
Để thu hút thêm khách hàng, bên cạnh mô hình ki-ốt, The Coffee House cũng tung ra những sản phẩm mới như cà phê sữa đá hòa tan, lon cà phê sữa đá, cà phê 3in1...
Theo Linh Lam - NDH