Với giá trung bình 25.000 đồng/tô bánh canh, ngày bán 1.000 tô thì quán ăn vỉa hè này có thể đạt doanh thu hơn 700 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, quán miến gà Kỳ Đồng nổi tiếng đông khách có thể bán được 500 con gà/ngày.
Mỗi sáng bán cả 1.000 tô
Chẳng cần điều hòa hay không gian sang xịn, từ 5h sáng, thực khách đã đến ngồi xì xụp bên tô bánh canh nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM). Có thể nói đây là một trong những quán ăn vỉa hè đông thực khách nhất nằm trên tuyến đường chính của quận.
Anh Đoàn Ngọc Long - chủ quán cho hay, quán bánh canh của gia đình do mẹ anh để lại. Quán mở 17 năm nay, từ lúc giá bán chỉ 7.000 đồng/tô và giờ 26.000 đồng/tô. Lợi thế của quán là không tốn tiền thuê mặt bằng nên giá bán rẻ hơn so với nhiều quán bánh canh khác.
Dẫu vậy, điều khiến khách ra/vào quán liên tục, thường xuyên hết chỗ ngồi nằm ở hương vị nước lèo đặc trưng. Nguyên liệu vẫn chỉ là tôm, cua, chả, thịt, trứng đặt hàng từ các mối chợ, nhưng nước lèo mới là thứ giữ chân thực khách. “Nước lèo bánh canh là bí quyết riêng đã nuôi sống gia đình tôi bao nhiêu năm qua. Từng có người đến đưa tiền để xin học công thức chế biến nhưng gia đình không đồng ý”, anh Long nói.
Từ sớm, nhiều người đã tới quán bánh canh trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 |
Quán mở bán từ 5h-10h sáng, một tháng chỉ nghỉ ngày Rằm và Mùng 1. Ngày bán trung bình 120kg bánh canh, với 1kg có thể chia được 7-8 tô, nên quán vỉa hè này bán được khoảng 1.000 tô bánh canh chỉ trong buổi sáng. Nếu tính giá trung bình 25.000 đồng/tô bánh canh thì quán vỉa hè này có thể đạt doanh thu 25 triệu đồng/ngày và tới hơn 700 triệu đồng/tháng.
Ngoài 4 thành viên gia đình đứng bán, quán còn thuê thêm 10 nhân viên mới kịp phục vụ. Vì không thể đủ chỗ ngồi, ước chừng có khoảng 500 thực khách ăn tại chỗ, còn lại ship tận nơi theo đặt hàng. Nhiều bệnh viện gần khu vực quán như Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng, Bệnh viện Nguyễn Trãi là khách ruột, có nơi thường báo trước một ngày đặt cả 100 hộp bánh canh giao tận nơi.
Anh Phước Vĩnh (phường 5, quận 5) cho biết, nước lèo, mức giá tầm trung và thuận tiện đường đi của rất nhiều người là lợi thế lớn của quán. Ít có quán ăn vỉa hè nào đông khách đến vậy. Đây cũng là lý do khiến anh trở thành thực khách lâu năm tại đây.
Tương tự, anh Trần Bá Thắng (quận 5) cũng nhận xét, dù đã ăn nhiều nơi nhưng bánh canh vẫn không ngon bằng tại đây. Kể cả quán đông, anh cũng chấp nhận chờ đến lượt gọi đồ.
Quán miến gà 50 năm tuổi
Khác với không gian vỉa hè của quán bánh canh quận 5, tiệm miến gà trên đường Kỳ Đồng (quận 3) hút khách bởi chỗ ngồi thoáng, cách phục vụ nhanh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc, đại diện quán miến, chia sẻ, quán có tuổi đời 50 năm, do mẹ bà truyền lại cho các con cùng nhau đứng bán, trông nom. Quán chỉ xuất phát điểm từ một xe đẩy hàng nhỏ, lượng khách dần ổn định, sau chủ quán thuê mặt bằng rồi mua hẳn địa điểm kinh doanh.
Quán đặc biệt đông vào những ngày cuối tuần, khoảng 40 nhân viên chia ca phục vụ thực khách từ 6h sáng đến 22h đêm, giờ nào cũng đông người ăn. Tiêu chí của quán là lên món nhanh nhất có thể, không để khách chờ đợi lâu. Cũng theo bà Cúc, bí quyết giữ được khách qua thời gian nằm ở vị nước dùng nấu gà đặc trưng và chất lượng thịt gà nguyên liệu. Nước ngọt, thanh tự nhiên, không quá béo. Có những thực khách gần như ngày nào cũng đến quán, ăn miến gà trừ cơm.
Nguyên liệu thịt gà và nước dùng là đặc trưng của tiệm miến gà Kỳ Đồng, quận 3 |
Anh Phan Quốc Chí (quận 1) đánh giá, nước dùng gà thanh là điểm mang lại sự khác biệt của quán miến Kỳ Đồng này. Mức giá bán cũng phù hợp tại khu vực trung tâm TP.HCM.
Trong khi đó, chị Khánh Ly (Hà Nội) cứ mỗi khi có dịp công tác vào TP.HCM lại ghé quán thưởng thức miến gà. Chị biết quán được 2 năm và cũng ấn tượng với hương vị nước dùng riêng có tại đây.
Giá bán tại đây là 55.000 đồng/tô miến bình thường, tô lớn giá cao hơn là 85.000 đồng/tô cho người thích ăn nhiều thịt hoặc các phần khác nhau của con gà. Ước tính, với lượng khách đông như hiện tại, quán tiêu thụ tới khoảng 500-600 con gà/ngày.
Trần Chung - Theo Vietnamnet