'Trên mạng xã hội, chúng ta chỉ là chuột bạch', 'Người dùng mới là sản phẩm, bị mạng xã hội bán cho bên quảng cáo'. Đây là những bình luận quen thuộc trong một thế giới mà chúng ta phải chực chờ đếm từng giây để được ấn nút 'Bỏ qua quảng cáo', cụ thể là trên YouTube. Nhưng sự thật có chắc luôn là như vậy?
Vì sao YouTube cho chạy toàn quảng cáo ‘lừa đảo’? |
Trên YouTube, quảng cáo được chèn vào video thông qua AdSense, dịch vụ quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới trực thuộc Google. Các quảng cáo gồm muôn hình vạn trạng, từ banner trên website hay những thước phim ngắn trước mỗi video. Nhờ có nó, chúng ta mới có thể dùng miễn phí các sản phẩm khác của Google như Gmail, Google Drive, vân vân.
Nhưng người dùng bắt đầu thấy khó chịu khi các đoạn quảng cáo tràn lan những nội dung kiểu như: bán khóa học làm giàu đổi đời, ‘rủ rê’ tham gia mạng lưới tiền ảo, các game đồ họa lung linh cùng gameplay hấp dẫn nhưng tải về rồi thì khác một trời một vực, cùng nhiều hình thức ‘mồi câu’ khác. Sao YouTube cho chạy toàn quảng cáo ‘lừa đảo’ thế này?
Thuật toán đấu giá quảng cáo của YouTube
Mỗi khi người xem click vào một video, thuật toán quảng cáo của YouTube sẽ lập tức làm việc để tối đa hóa doanh thu. Thuật toán sẽ thực hiện một lượt ‘đấu giá’ kéo dài chỉ vỏn vẹn trong tích tắc. Các công ty muốn giành được cơ hội hiện quảng cáo trên video đó cho chính người xem đó thì phải đấu giá với nhau qua ngân sách đã báo trước. Thuật toán sẽ ra giá cao hơn nếu người xem nằm trong nhóm nhân khẩu có khả năng tiêu dùng, ví dụ, một người trẻ đã đi làm đang xem một video về tài chính. Ngược lại, giá sẽ thấp hơn hơn nếu người xem thuộc nhóm còn lại, ví dụ, một học sinh cấp hai đang xem video về game.
Trong cuộc đấu giá ảo này, các công ty lớn như Apple chỉ ra giá khá thấp và thường sẽ thua các bên tham gia khác (bao gồm cả những bên cho đăng quảng cáo theo kiểu ‘lừa đảo’ thường trả cao hơn). Họ không cần phải đặt nặng quá vì hầu như những ai đang xem YouTube đều có khả năng trở thành khách hàng tiềm năng mua iPhone cả rồi.
Tuy nhiên, thuật toán không phải lúc nào cũng chọn bên ra giá cao nhất. Vì họ chỉ thực sự trả tiền cho YouTube khi một trong ba điều nảy xảy ra:
- Người dùng xem ít nhất 30 giây quảng cáo.
- Người dùng xem toàn bộ quảng cáo nếu tổng thời lượng ngắn hơn 30 giây.
- Người dùng ấn vào link quảng cáo.
Ấn nút ‘Bỏ qua quảng cáo’ ngay khi nó xuất hiện thì YouTube sẽ không được gì cả |
Nhưng nếu người dùng chỉ chăm chăm ‘rình’ và ấn nút ‘Bỏ qua quảng cáo’ ngay khi nó xuất hiện thì YouTube sẽ không được gì cả. Ngộ nhỡ có ai lách thuật toán bằng cách cố tạo ra một quảng cáo thật cuốn hút ngay trong 20 giây đầu, phần sau thì chèn tiếng ồn ngang tai để người dùng vội ấn ‘Bỏ qua quảng cáo’ thì sao? Chẳng phải sản phẩm vẫn được giới thiệu tới người dùng mà công ty thì lại không mất phí ư?
Không hề, vì thuật toán của YouTube còn biết làm điều thứ hai. Nó sẽ chọn mẩu quảng cáo trả giá cao nhất mà đồng thời có khả năng được xem đủ lâu để YouTube còn có tiền. Vì thế, các quảng cáo ‘đầu voi đuôi chuột’ nói trên dù trả cao bao nhiêu cũng sẽ không được chọn.
Toàn bộ quá trình trên diễn ra chưa đầy một giây, kể từ khi ta ấn vào video cho đến lúc bắt đầu quảng cáo.
Lý do thứ nhất: Quảng cáo ‘lừa đảo’ biết nương theo thuật toán
Một kiểu quảng cáo game thường gặp trên YouTube |
Các quảng cáo ‘lừa đảo’ kể trên thường có mô-típ như sau: hình ảnh một người người ngồi trên siêu xe, khoa chân múa tay hứa hẹn về các cơ hội làm giàu, những video về game với đồ họa hấp dẫn hoặc kỳ quặc để khiến ta tò mò, hoặc là những quảng cáo quái đản đến nỗi ta phải ngồi xem một lúc lâu để hiểu ra nội dung. Tất cả đều nhằm giữ người xem ngồi lại lâu hơn. Nhờ đó, theo thuật toán, các quảng cáo này sẽ được hiển thị thường xuyên hơn.
Như vậy chẳng phải do YouTube muốn đăng toàn quảng cáo ‘lừa đảo’ mà đây là những lựa chọn tốt nhất trong cuộc đấu giá. YouTube cũng có cơ chế kiểm duyệt trước khi cho lên sóng. Nhưng các quảng cáo này về cơ bản không rao bán những thứ phạm pháp. Chỉ là xét về mặt đạo đức thì chúng hoặc là bán giá quá cao so với giá trị thực, hoặc ‘treo đầu dê bán thịt chó’ mà thôi. Việc tự động hóa để loại trừ những quảng cáo thế này hiện nay chưa khả thi.
Lý do thứ hai: Người dùng là nam châm tự ‘hút’ quảng cáo
Một nguyên nhân nữa chính là người dùng. Thuật toán và AI ‘biết’ khi nào người ta đang thấy cô đơn, chán đời, biết khi nào ta đang vào xem ảnh của người yêu cũ. Chúng cũng biết ta phần lớn là người trẻ đang độ tuổi đi làm, khát khao thành công và giàu có. Còn ai sẽ có khả năng mua một khóa học kinh doanh online hơn chúng ta nữa? Tất nhiên không phải là một học sinh cấp một lên YouTube xem hoạt hình rồi.
Các quảng cáo game giải khuây hay ‘làm giàu nhanh’ này thường được đăng vào buổi sáng các ngày trong tuần, giờ nghỉ trưa và sau giờ làm. Sau một ngày dài, bị sếp mắng, bị khách la, người ta sẽ ôm lấy điện thoại, lướt YouTube cho khuây khỏa. Đây là thời điểm người dùng kém lý trí nhất và thường đưa ra quyết định yếu lòng để mua lấy một khóa học với giá trên trời. Do đó, những mẩu quảng cáo ‘lừa đảo’ thế này không hề xuất hiện trên ti vi, mà lại thường tập trung trên YouTube. Dĩ nhiên rồi, lúc người ta đang không chán nản thì làm sao rao bán ‘giấc mơ đổi đời’ được?
Tham khảo: How Money Works
Thùy An
Theo Nhịp sống thị trường