Ngoài ra, tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng và quán cà phê, tốc độ tăng trưởng hằng năm CAGR giai đoạn 2016-2022 đạt 2%.
Quy mô doanh thu gần 610 nghìn tỷ đồng
Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 do iPos cho biết, quy mô doanh thu ngành F&B năm nay đạt gần 610 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021.
Cơ cấu doanh thu dịch vụ F&B trên cả nước năm 2022 có sự phân hóa mạnh mẽ khi 95% doanh số đến từ dịch vụ ăn uống đơn lẻ (nhà hàng, quán ăn), 5% thị phần được ghi nhận cho mức doanh thu từ các chuỗi dịch vụ ăn uống. Các nhà hàng, quán ăn uống độc lập vẫn được người dân ưa chuộng hơn cả tại thị trường nội địa. Lý do lớn nhất chính là giá cả đồ ăn thức uống tại các chuỗi dịch vụ ăn uống vẫn khá cao so với thu nhập của người Việt Nam và mới chỉ phổ biến ở các đô thị loại 1.
Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng và quán cà phê, tốc độ tăng trưởng hằng năm CAGR giai đoạn 2016-2022 đạt 2%.
Nguồn: iPos |
Xét riêng dịch vụ nhà hàng/cà phê tại Việt Nam năm 2022, 3 tỉnh thành có sự phát triển kinh tế bậc nhất tại 3 khu vực tương ứng Bắc - Trung - Nam vẫn chiếm ưu thế khi sở hữu số lượng nhà hàng hàng nhiều nhất với tỷ trọng lần lượt là 14,48% ở Hà Nội, 4,80% ở Đà Nẵng và 39,78% ở Tp.HCM.
Thị trường F&B có mức độ tăng trưởng cao sau tết Nguyên Đán, Quý 2 và Quý 3 lần lượt đạt 120% và 128% so với Quý 1/2022. Tuy nhiên, Quý 4 chỉ tăng trưởng chỉ 117%, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm cuối năm là do tình hình lạm phát, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng, cắt giảm “room tín dụng”, cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư tạm dừng kế hoạch và chờ đợi thời cơ.
Báo cáo của iPos cũng chỉ ra, doanh thu từ cửa hàng cà phê/bar đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành, lên đến 44,30%. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ nhà hàng full-service (nhà hàng ăn uống tại chỗ, có nhân viên phục vụ) và nhà hàng limitedservice (nhà hàng phục vụ thức ăn nhanh, bán mang về) xếp sau với 27,80% và 23,06% thị phần.
Nguồn: iPos |
Thị trường ăn ngoài
Doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam năm 2022 hồi phục sát với mốc trước khi dịch COVID-19 bùng phát, đạt 333,69 nghìn tỷ đồng. Quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng ở mức 29,9 nghìn tỷ đồng. Theo iPos, quy mô thị trường giao đồ ăn đã lớn gấp 3 lần so với trước khi bùng phát dịch bệnh (năm 2019).
Nguồn: iPos |
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu ngành thương mại điện tử trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống ghi nhận có khoảng 12,23 triệu người đã đặt giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến và tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng hằng năm là 17,5%, tương đương với 1,8 triệu người.
Theo khảo sát được iPos thực hiện với 1.516 đơn vị F&B có tham gia bán trực tuyến trên cả nước, GrabFood và ShoppeFood đang là 2 ứng dụng bán hàng trực tuyến được ưa chuộng nhất với lần lượt 29% và 27,8% tương đương 823 và 788 đơn vị kinh doanh F&B lựa chọn. Hotline đang là hình thức được chọn nhiều thứ 3 trong danh sách các kênh bán hàng trực tuyến của các đơn vị kinh doanh F&B với 25.4%; Website đứng ở vị trí thứ 5 với 14.6% đơn vị sử dụng loại hình bán hàng trực tuyến này.
Trên tổng số 2.835 đơn vị tham gia khảo sát, có 2.456 đơn vị phản hồi rằng họ không gặp vấn đề về vốn trong giai đoạn “Bình thường mới”, tương ứng với 86,6% tổng số lượng đơn vị kinh doanh F&B tham gia cuộc khảo sát. Cũng trong giai đoạn này, 489 đơn vị trả lời rằng họ không dư dả về vốn và cần phải xoay vòng một cách cẩn thận. Chỉ có 4,3% số đơn vị được hỏi gặp phải vấn đề thiếu vốn trong thời kỳ hậu Covid-19.
Hoàng Thùy
Theo Nhịp sống thị trường