Nhượng quyền kinh doanh trở thành ‘thần dược’ của các thương hiệu, nhưng lại là nỗi bàng hoàng của người tham gia.
Bài học nhượng quyền thất bại |
Trong vài năm trở lại đây, việc kinh doanh của các thương hiệu ăn uống ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Họ buộc phải tìm tới một lối thoát là nhượng quyền thương mại. Giải pháp này giúp tối ưu hóa dòng tiền, mang lại cơ hội mở rộng quy mô nhanh chóng và dần trở thành "thần dược" của các thương hiệu ăn uống. Hệ thống cửa hàng đồ uống Mixue cũng không ngoại lệ.
Khi thị trường nhượng quyền kinh doanh ăn uống nóng lên thì ngày càng có nhiều người nhảy vào tham gia. Nhưng khi có đến 6 hay 7 quán trà sữa Mixue trên cùng một con phố thì liệu tham gia nhượng quyền còn có thể kiếm ra tiền hay không?
Khởi đầu khi gia nhập: đầy thử thách nhưng nhiều hứa hẹn
Tờ Sina đã có cuộc trò chuyện với những người tham gia nhượng quyền chuỗi đồ uống Mixue. Liu Wei cho biết, hồi học đại học, Mixue trở thành đồ uống quen thuộc với Liu Wei cũng như tất cả sinh viên trong trường vì nó rẻ. Trong suốt 3 năm làm khách quen của quán Mixue trong khuôn viên trường, Liu Wei quan sát thấy họ làm ăn được, ngày càng nổi tiếng và rất có tiềm năng.
Đến năm 2020, anh quyết định cùng một người bạn tham gia kinh doanh nhượng quyền cho Mixue. Anh giải thích rằng giới trẻ Trung Quốc hiện nay thích trà sữa hơn nước đóng chai, Mixue lại là thương hiệu trà sữa nổi tiếng và rất có giá trị, chỉ cần tìm được mặt bằng tốt là tha hồ ‘hái ra tiền’.
Quá trình nộp đơn xin cấp phép mở cửa hàng không hề dễ dàng. Bạn sẽ phải vượt qua vòng phỏng vấn lúc nộp đơn, phỏng vấn qua video, tập huấn qua mạng, đánh giá sát hạch, vân vân. Sau khi nhận được giấy thông báo đủ điều kiện nhượng quyền, cửa hàng sẽ được mở.
Chọn địa điểm, trang trí quán, trải qua đào tạo đã từng là giai đoạn mất ăn mất ngủ của Liu Wei và đồng sự. Hè năm 2020, cuối cùng quán Mixue của hai người cũng được khai trương. Tổng cộng số tiền bỏ ra, bao gồm phí nhượng quyền, phí tư vấn trả cho công ty, tiền mua thiết bị, nguyên vật liệu, trang trí và cho thuê là 370.000 NDT (khoảng 1,2 tỉ VND).
Wang Zi đến từ Quảng Đông, Trung Quốc cũng chia sẻ trải nghiệm gia nhập hệ thống Mixue. Năm 2020, anh có trong tay một khoản tiền nhàn rỗi đang tìm mục tiêu đầu tư. Đó là giai đoạn một số lượng lớn các nhà hàng, quán ăn ở khắp nơi đều đóng cửa vì dịch bệnh. Nhưng đồng thời, nhiều thương hiệu ăn uống theo mô hình nhượng quyền vẫn thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ. Sau nửa năm hoạt động, Wang Zi cho biết: "Tôi thấy lợi nhuận gộp ở đây cũng rơi vào khoảng 55% như trụ sở chính, doanh thu hàng tháng khá lý tưởng". Trong hai năm tiếp theo, anh lại mở tiếp 3 cửa hàng Mixue nữa.
Động lực cho những câu chuyện khởi nghiệp này là sự thay đổi của thị trường dịch vụ ăn uống. Trong đó, mô hình nhượng quyền thương hiệu ngày càng lan rộng tới từng hang cùng ngõ hẻm, trở thành lựa chọn hàng đầu của những người trẻ mới bước chân vào con đường khởi nghiệp.
Gia nhập rồi: ‘mắc kẹt’ với cửa hàng, hơi tí là bị phạt
Wang Zi chỉ ra các lợi thế khi gia nhập Mixue: nhân viên có thể bắt đầu công việc sau vài ngày, muốn nghỉ việc chỉ cần báo trước một tháng, tuyển dụng và đào tạo cũng không khó. Các cửa hàng của anh kiếm được khoảng 200.000 NDT (gần 700 triệu VND) mỗi năm.
Còn Liu Wei, vì mở cửa vào kỳ nghỉ hè nên công việc kinh doanh đã nhanh chóng bùng nổ. Chỉ trong hai, ba tháng hè, quán của anh bán được 10.000 NDT (gần 35 triệu VND) mỗi ngày. Cảnh tượng bận bịu diễn ra thường trực: đơn đặt hàng dài tới mức chạm sàn nhà, cốc chất thành đống, nhân viên còn không có thời gian mà nghỉ uống nước hay đi vệ sinh. Vào giờ cao điểm tức là lúc nắng nóng nhất trong ngày, khách muốn mua một cốc nước cỡ lớn còn phải chờ tận hai mươi phút mới đến lượt.
Nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng thuận buồm xuôi gió. Liu Wei kể lại, vào mùa đông, doanh số của Mixue chỉ bằng 1 phần 4 so với mùa hè. Giá bán không cao, sau khi trừ tiền thuê mặt bằng, nhân sự, điện nước, thì suốt mùa đông, quán không đóng cửa là may lắm rồi.
Ngoài ra vì hệ thống nhượng quyền của Mixue đã quá bài bản nên tiêu chuẩn quản lý cũng rất khắt khe. Bên nhận nhượng quyền sẽ phải đối mặt với các đợt kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện nguyên liệu sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hết hạn, hay vệ sinh kém thì sẽ bị phạt nặng.
Cửa hàng của Liu Wei từng bị phạt vì chất lượng của trái cây tươi không đạt chuẩn. "Món chè sau 4 tiếng đồng hồ sẽ bị coi là hết hạn và phải dán nhãn đánh dấu. Nếu hết hạn mà vẫn bán thì sẽ bị phạt 5.000 NDT (khoảng 17 triệu VND)". Để đảm bảo vệ sinh và chất lượng, bên nhận nhượng quyền phải có năng lực quản lý rất cao vì không phải lúc nào chủ cửa hàng cũng có thể có mặt để giám sát mọi thứ.
Trụ sở chính còn yêu cầu mua sắm một bộ dụng cụ khử trùng thống nhất. Và để bảo đảm việc nâng cấp hình ảnh đồng bộ, cứ mỗi ba năm, nếu hợp đồng được gia hạn thì người được nhượng quyền phải trang trí lại cửa hàng, điều này càng tăng thêm gánh nặng chi phí.
Lợi nhuận hàng năm của Liu Wei dao động trong khoảng 100.000 đến 200.000 NDT (khoảng 350-700 triệu VND). Như vậy, sau hai năm, anh đã gần như kiếm lại được số vốn đầu tư 370.000 NDT (khoảng 1,2 tỉ VND) ban đầu.
Thời kỳ bão hòa: 300 mét, 6 quán trà sữa
Liu Wei cho biết, việc kinh doanh trà sữa hiện nay đã quá bão hòa. Chi phí thuê cửa hàng, điện nước, nhân công ngày càng đắt và kiếm tiền nay khó hơn xưa.
Quán của Liu Wei nằm ở một thành phố cấp 5 ở Trung Quốc, tức nơi có quy mô nhỏ, kinh tế kém sôi động và giao thông bất tiện. Vậy mà số lượng quán ở đây vẫn dày đặc đến mức có cả tình trạng hai quán nằm đối diện nhau trên cùng một con đường.
Wang Zi cũng phàn nàn về chính sách phân bổ cửa hàng của Mixue: "Nơi nào có khu thương mại, nơi đó có Mixue nhưng lại không có sự phân bổ cửa hàng hợp lý. Các cửa hàng ở quá gần nhau. Bây giờ tìm được chỗ tốt rất khó. Về cơ bản là mọi thứ đang bão hòa".
Bản đồ cho thấy, trên một con phố chưa đầy 1 km ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã có tới 7 cửa hàng Mixue. |
Không chỉ các cửa hàng của Mixue cạnh tranh lẫn nhau, mà Mixue hiện cũng phải cạnh tranh dữ dội với các thương hiệu khác. Tính đến cuối năm 2022, Mixue có hơn 23.000 cửa hàng. Dữ liệu của Meituan cho thấy tỉ lệ chuỗi cửa hàng trà sữa tăng từ 41,2% lên 55,2% chỉ trong năm 2020-2022. Người tiêu dùng bước ra đường, thấy trong vòng 300 mét có đến 6 quán trà sữa đủ mọi hãng là chuyện bình thường.
4 quán trà sữa trên một con phố chưa đầy 100 mét. Ảnh: Sina Tech |
Sau khi tính toán, gần đây Liu Wei đã quyết định chuyển nhượng lại cửa hàng cho người khác. "Chúng tôi không mất tiền, nhưng sau hai năm cũng không kiếm được đồng nào, suốt thời gian ấy coi như đi làm không công cho Mixue."
Bên cạnh đó, những người như Wang Zi vẫn tiếp tục kinh doanh dù thị trường đồ uống ngày càng cạnh tranh khốc liệt vì họ có niềm tin rằng thương hiệu này sẽ còn có giá trị lâu dài.
Đối với các doanh nhân non trẻ, nhượng quyền kinh doanh dịch vụ ăn uống từ một thương hiệu nổi tiếng có thể giúp họ khởi nghiệp nhanh chóng, nhưng thành hay bại thì lại tùy mỗi người. Ngưỡng gia nhập thị trường của các thương hiệu nhượng quyền ngày càng hạ xuống và trở nên dễ dàng hơn. Nhưng điều đó đồng nghĩa mọi thứ trở nên bão hòa. Việc lựa chọn mặt bằng, mua nguyên liệu, vận hành, quản lý và tất cả những thứ khác đều khiến những người mới vào nghề choáng ngợp.
Tham khảo từ: Sina Tech