Đại diện hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cả nước vừa gửi kiến nghị, góp ý về việc sửa đổi nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Hai cây xăng ở xã An Phú và thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang đã đóng cửa từ trước Tết, đến nay vẫn chưa mở lại - Ảnh: BỬU ĐẤU |
Kiến nghị được gửi tới nhiều cơ quan chức năng như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Các doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi các quy định về công thức tính giá cơ sở, mức chiết khấu, tiếp cận nguồn hàng… để đảm bảo tính công bằng hơn, sớm chấm dứt tình trạng nhiều cây xăng phải đóng cửa, nghỉ bán như thời gian qua nhằm chấm dứt tình trạng "mở bán thì thua lỗ, đóng cửa thì bị cơ quan chức năng xử phạt" trong suốt hơn một năm qua.
Bán lẻ xăng dầu tố bị chèn ép
"Doanh nghiệp bán lẻ như bị đẩy vào bước đường cùng" - đó là lời chia sẻ của một doanh nghiệp tư nhân sở hữu các cửa hàng bán lẻ tại miền Nam khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Theo vị này, sau khi trao đổi với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), nhóm doanh nghiệp đại diện cho gần 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu cả nước (chiếm trên 50% tổng số cửa hàng bán lẻ) đã trực tiếp gửi đơn tới các cơ quan chức năng để "kiến nghị khẩn cấp", góp ý về việc sửa đổi nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu
Lặn lội đi từ 2h sáng từ Trà Vinh về Sài Gòn để kịp chuyến bay ra Hà Nội cùng các doanh nghiệp, ông Giang Chấn Tây - chủ Công ty Bội Ngọc - cho rằng nội dung dự thảo sửa đổi quy định về quản lý xăng dầu hiện nay chưa phù hợp.
Đặc biệt là ở khâu bán lẻ - cánh tay nối dài đưa xăng dầu ra thị trường - nhưng vẫn chưa có những quy định để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gây bất ổn cho thị trường.
Ông Tây cho hay theo quy định hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên bị chèn ép về chiết khấu, do nhà phân phối biết rằng nếu không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác.
"Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu" - đơn kiến nghị khẩn cấp của các doanh nghiệp nêu và cho rằng đây là điểm bất hợp lý, thiếu công bằng với các thương nhân phân phối.
Bằng chứng là theo quy định của nghị định 83 và nghị định 95, thương nhân phân phối dù cũng có cửa hàng bán lẻ nhưng được quyền lợi về giá trên cơ sở được có lợi nhuận, được lấy hàng ở nhiều nơi, được chủ động nguồn hàng.
Nhờ ưu thế đó, thương nhân phân phối có thể chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường, có thể cắt chiết khấu cho khách hàng để giữ chân khách.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong bối cảnh khi giá có xu hướng tăng, doanh nghiệp bán lẻ sẽ ở thế bị động khi bị nhà cung cấp từ chối bán hàng, không giao hàng.
"Việc thiếu nguồn hàng khiến cho các cửa hàng của chúng tôi rơi vào tình thế khó. Muốn duy trì mở bán thì không có hàng, mà đóng cửa lại bị phạt", một doanh nghiệp bức xúc.
Cạnh tranh không công bằng
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, các thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ, được hưởng quá nhiều quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng nhiều nơi.
"Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ không có quyền lấy nhiều nguồn hàng và bị hạn chế nguồn hàng khi khan hiếm dẫn đến đứt hàng buộc phải ngưng bán hàng", một doanh nghiệp nói.
Theo các doanh nghiệp, với quy định như hiện nay và dự thảo sửa đổi của nghị định 83 và nghị định 95, dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhà bán buôn và bán lẻ. Các doanh nghiệp bán lẻ luôn ở vào thế bị "bắt chẹt", "chèn ép".
"Các doanh nghiệp bán lẻ bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch luôn ở vào thế bất lợi. Chưa kể những chi phí phát sinh, rủi ro về pháp lý, không thể đảm bảo nguồn vốn, lợi nhuận để kinh doanh", một doanh nghiệp bán lẻ cho biết.
Do đó, ngoài việc cho phép được mua hàng từ ba nhà phân phối, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị trong công thức tính giá cơ sở cần ghi nhận cụ thể mức chiết khấu - như một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ.
Quy định về công thức giá cơ sở cần phân chia làm ba khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh gồm nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, đảm bảo tính công bằng cho các khâu trong vận hành hệ thống phân phối xăng dầu.
Trong thực tế, theo quy định tại công thức tính giá cơ sở có chi phí kinh doanh định mức đối với mỗi lít xăng dầu (1.000 - 1.250 đồng/lít tùy loại) nhưng tại nhiều thời điểm, các doanh nghiệp đầu mối giữ lại toàn bộ số tiền này, chiết khấu 0 đồng cho nhà bán lẻ.
"Việc giải quyết mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ sẽ khắc phục được bất ổn, đảm bảo tính công bằng giữa các thành phần tham gia chuỗi cung ứng", kiến nghị nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho biết nếu được quy định mức chiết khấu tối thiểu trong giá cơ sở khi sửa đổi nghị định 83 và 95, doanh nghiệp bán lẻ sẽ tránh được tình trạng các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối đưa ra mức chiết khấu 0 đồng, âm như thời gian qua.
Theo ông giám đốc này, các doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các đầu mối và phân phối, song cứ kéo dài việc chiết khấu thấp, thậm chí chiết khấu âm sẽ khiến doanh nghiệp bán lẻ sớm rời khỏi thị trường bởi không thể cầm cự được lâu.
"Việc cho phép được mua hàng từ ba doanh nghiệp đầu mối, phân phối cũng là hướng để nhà bán lẻ chủ động hơn trong nguồn cung, tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nếu chỉ lấy hàng từ một nguồn, doanh nghiệp bán lẻ như "cá nằm trên thớt" khi phụ thuộc nguồn hàng của một nguồn lại bị chèn ép về mức chiết khấu", ông nói.
Ngọc An - Ngọc Hiển
Theo Tuổi Trẻ