Nếu trước đây, một nhà máy ở Kunshan nhận được đơn hàng trị giá 10 tỷ USD từ Apple hoặc Dell, thì bây giờ họ nhận được 8 tỷ USD và phần còn lại thuộc về Việt Nam - theo Financial Times.
Địa phương giàu số 1 Trung Quốc "ngấm" đòn suy giảm, đơn hàng chảy sang Việt Nam, Ấn Độ |
Huyện giàu nhất của Trung Quốc "ngấm" đòn
Thành phố cấp huyện Kunshan thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cách Thượng Hải 50 km, từng tự hào về mức lương cao hơn tới 30% so với nhiều tỉnh thành khác, nhờ các hợp đồng lắp ráp các linh kiện giá trị.
Với gần 1 triệu dân, Kunshan có 1.529 nhà sản xuất tập trung xuất khẩu chỉ riêng từ đảo Đài Loan (Trung Quốc) và được biết đến là huyện giàu nhất Trung Quốc . Trong khi đó, Giang Tô là tỉnh có GDP xếp thứ hai ở Trung Quốc năm 2022, đứng sau Quảng Đông.
Nhưng thời điểm này, các công ty đang phải cắt giảm để đối phó với việc xuất khẩu đi xuống.
Theo Financial Times, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tính theo đồng USD trong 5 tháng liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái, khi người mua phương Tây giảm đơn đặt hàng trong bối cảnh lạm phát cao và triển vọng kinh tế ảm đạm.
Tình trạng bất ổn của Kunshan phản ánh những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc, trong đó xuất khẩu là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải đối mặt sau khi bước ra khỏi 3 năm hạn chế do đại dịch.
Theo nhiều nhà tuyển dụng, số lượng nhân viên tại các nhà máy đã giảm và các công ty đã cắt giảm tới 1/3 tiền lương theo giờ, trong khi các khoản tiền thưởng hấp dẫn đã bị loại bỏ.
Tiền lương tại các nhà máy của Đài Loan đặt tại Kunshan đã giảm xuống dưới 19 Nhân dân tệ (2,75 USD) một giờ so với mức hơn 25 Nhân dân tệ vào một năm trước.
Sự yếu kém của thị trường lao động đã trở nên trầm trọng hơn bởi các nhà sản xuất từ đảo Đài Loan, khách hàng lớn nhất của Kunshan, chuyển sản xuất sang các nước khác.
Kunshan nổi lên nhờ dòng chảy của các nhà sản xuất Đài Loan - Dan Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Hang Seng Bank China, lý giải.
Đây là hệ quả từ việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng siết chặt hơn lệnh hạn chế đối với các thiết bị lắp ráp ở Trung Quốc với lý do an ninh.
Đơn hàng chuyển về Việt Nam và Ấn Độ
James Gao, chủ sở hữu của một nhóm hậu cần có trụ sở tại Kunshan làm việc với Foxconn và Pegatron, cho biết các lô hàng đã giảm ít nhất 1/3 trong quý đầu tiên của năm 2023 so với một năm trước đó.
Gao cho biết: “Tài xế của chúng tôi từng gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đậu xe tại cảng Thượng Hải. Bây giờ bãi đậu xe đã trống một nửa.”
Gao nói thêm rằng một số khách hàng của ông, chủ yếu phục vụ các thương hiệu điện tử tiêu dùng phương Tây, đã bắt đầu phân bổ một số đơn đặt hàng cho các cơ sở ở Việt Nam và Ấn Độ do căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung.
“Nếu trước đây, một nhà máy ở Kunshan có thể nhận được đơn đặt hàng trị giá 10 tỷ USD từ Apple hoặc Dell, thì bây giờ nó nhận được 8 tỷ USD và phần còn lại thuộc về Việt Nam” James Gao nói.
Khi nhu cầu về sản xuất có lợi nhuận thấp giảm dần, Kunshan đã bắt đầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với nhu cầu công nghệ cao hơn và tập trung vào doanh số bán hàng địa phương để thúc đẩy tăng trưởng.
Chiến lược này đã thu hút một số công ty nhờ chuỗi cung ứng đã được thiết lập của Kunshan và vị trí gần Thượng Hải, thị trường tiêu dùng cao cấp lớn nhất của Trung Quốc và là trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, dòng vốn vào có thể sẽ không đủ để bù đắp sự thiếu hụt. Vào tháng 1, thị trưởng Chen Liyan của Kunshan cho biết thành phố này dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài 1,1 tỷ USD trong năm nay, giảm từ 1,7 tỷ USD vào năm 2022.
Ông Chen cũng đặt mục tiêu tăng trưởng ngoại thương bằng 0 cho năm 2023, sau khi giảm 3% vào năm ngoái .
Một quan chức địa phương giấu tên nhận định môi trường kinh tế đang thay đổi. “Những ngày tăng trưởng nhanh đã qua rồi", vị này nói thêm.
Theo Minh Khôi
Theo Nhịp sống thị trường