Ba năm, bốn lần thay đổi quy chuẩn PCCC, làm sao doanh nghiệp trở tay?

(KTSG Online) – Trong vòng ba năm, Bộ Xây dựng đã liên tiếp ban hành ba quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Trong tuần qua, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành quyết định hỏa tốc về việc sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Tuần qua, Quốc hội cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng tuổi thọ các luật do các bộ soạn thảo quá ngắn, cứ 2-3 năm lại sửa đổi.
Ba năm, bốn lần thay đổi quy chuẩn PCCC, làm sao doanh nghiệp trở tay?
Việc thay đổi quy chuẩn PCCC liên tục trong thời gian ngắn khiến nhiều doanh nghiệp “chới với” vì trở tay không kịp. Tất nhiên, kèm theo đó là thời gian, chi phí tăng thêm khi doanh nghiệp phải chạy theo việc đáp ứng quy chuẩn mới.

Tuần qua, Bộ Xây dựng đã ký quyết định hỏa tốc giao nhiệm vụ đột xuất cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc bộ này phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng.

Đây là động thái mới nhất sau khi Chính phủ ban hành công điện hồi đầu tháng 4 chỉ đạo rà soát để sửa đổi thủ tục hành chính, phân loại nhóm các công trình vướng mắc liên quan đến PCCC để có giải pháp tháo gỡ.

Bộ Xây dựng cũng giao nhiệm vụ biên soạn sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, đảm bảo các cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan (*).

Với việc sửa đổi lần này, trong thời gian khoảng hơn ba năm, quy chuẩn PCCC đã phải sửa đổi tới bốn lần thông qua việc ban hành liên tiếp ba bộ quy chuẩn là QCVN 06:2020/BXD, QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD và quy chuẩn sẽ ban hành sắp tới (**).

Từ tháng 4-2020 đến tháng 11-2022, Bộ Xây dựng đã liên tiếp ban hành ba quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình. Tháng 4-2020, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2020 thay thế QCVN 06:2010/BXD.

Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng cho thấy có một số điểm chưa phù hợp nên chỉ hơn một năm sau, tháng 5-2021, Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD thay thế QCVN 06:2020/BXD. Tiếp đó, 18 tháng sau, vào tháng 11-2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành QCVN 06:2022/BXD thay thế QCVN 06:2021/BXD.

Việc Bộ Xây dựng liên tiếp ban hành ba quy chuẩn về PCCC trong thời gian ngắn khiến doanh nghiệp không thể nào trở tay kịp. Đó là chưa kể một số nội dung trong các quy chuẩn chưa sát bối cảnh thực tế, khó thực hiện mà Bộ Xây dựng đã phải sửa chữa thông qua việc ban hành quy chuẩn thay thế. Một số doanh nghiệp cho biết họ bị “mắc kẹt” giữa các quy định khiến các dự án bị đình trệ kéo dài.

Điều đáng lo ngại là tình trạng thay đổi quy định pháp luật quá nhanh như trường hợp quy chuẩn PCCC không phải là cá biệt. Trong phiên thảo luận tuần qua tại kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu đặt vấn đề việc một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội thiếu chắc chắn, từ đó dẫn đến tình trạng tuổi thọ của các dự án luật ngày càng ngắn. Tuổi thọ các đạo luật chỉ có trên dưới 10 năm, thậm chí một số luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung.

Các đại biểu Quốc hội cũng cảnh báo tình trạng nhiều đạo luật dễ cho cơ quan nhà nước, khó cho người dân và doanh nghiệp đã diễn ra tại nhiều đạo luật và nhiều năm qua. Có đại biểu nói thẳng, dự thảo luật cài cắm những điều có lợi cho cơ quan xây dựng luật. Dù Quốc hội có thẩm tra và quyết định cuối cùng, nhưng cũng khó bao quát được hết các nội dung cài cắm này (***).

Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ, có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ. Không thể để doanh nghiệp và người dân phải chạy theo một cách mệt mỏi và tốn kém vì quy định pháp luật cứ thay đổi xoành xoạch như vậy.

———————————

Theo Song Nghi
The Saigontimes
0 Nhận xét