Bong bóng đầu tư xe điện ở Trung Quốc đang xẹp

(KTSG Online) – Sự cạnh tranh khốc liệt đã biến thị trường xe điện của Trung Quốc từ một nơi có quá đông đúc đấu thủ lớn nhỏ, sang một không gian tập trung hơn nằm dưới sự thống trị của BYD và Tesla.
Xe điện của BYD trưng bày tại một cuộc triển lãm ô tô ở Thâm Quyến, Trung Quốc. BYD đã vươn lên chiếm khoảng 1/3 thị phần xe điện ở Trung Quốc giữa lúc các đối thủ nhỏ và yếu kém liên tục bị đào thải Ảnh: Getty
Ngành công nghiệp xe điện bùng nổ ở Trung Quốc nhờ chính sách trợ cấp của chính phủ hơn một thập niên trước. Hiện có khoảng một trăm nhà sản xuất đang tung ra các mẫu xe hybrid và xe thuần điện ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Con số này giảm đáng kể so với khoảng 500 nhà sản xuất xe điện đã đăng ký hoạt động tính đến năm 2019.

Sự cạnh trạnh khốc liệt đã chính thức chuyển thị trường xe điện Trung Quốc từ chỗ quá đông đúc sang trạng thái tập trung tương đối trong quí tiên, theo chỉ số Herfindahl-Hirschman, một thước đo được các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý sử dụng để đánh giá cạnh tranh và đo lường mức độ tập trung của thị trường. Những đấu thủ giành thắng lợi lớn nhất là BYD (Trung Quốc) và Tesla, hãng xe điện Mỹ có nhà máy ở Thượng Hải.

“80% các công ty khởi nghiệp về xe năng lượng mới ở Trung Quốc, nếu chúng ta tính tất cả chúng kể từ khi được chính sách trợ cấp được thực hiện đã hoặc đang rời khỏi thị trường”, Wang Hanyang, nhà phân tích ô tô của 86Research Ltd., nói.

Đó không phải là tin tốt cho những tay chơi đang gặp khó khăn như Nio, nhà sản xuất xe điện gầm đây chứng doanh số bán hàng đang sụt giảm. Chỉ số Herfindahl-Hirschman cho thấy xu hướng tập trung rõ ràng trên thị trường xe điện của Trung Quốc trong vài năm qua khi những đấu thủ non trẻ, thiếu tiềm lực bị sàng lọc và đào thải.

Trạng thái siết chặt của thị trường sẽ tăng lên theo thời gian, với những tay chơi thống trị củng cố vị thế và các hãng xe điện nhỏ hơn sẽ xoay sở để tồn tại. Thị phần của bốn hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc đã tăng lên 60% trong quí đầu tiên của năm 2023, so với 44% vào cùng kỳ của ba năm trước.

Dù mới đây, Trung Quốc gia hạn miễn thuế đối với người mua xe năng lượng mới cho đến năm 2027, tất cả dấu hiệu hiện nay đều cho thấy Bắc Kinh sẽ không tiếp tục hỗ trợ các hãng xe gặp khó khăn.

Sự thống trị thị trường của BYD, nhà sản xuất xe điện được tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett rót vốn đầu tư, tăng vọt trong hai năm qua. BYD, có trụ sở ở Thâm Quyến, chiếm hơn 1/3 doanh số xe năng lượng mới hiện nay ở Trung Quốc, tăng từ mức dưới 15% vào cuối năm 2020.

Thành công của BYD gây sức ép đối với ngay cả đối thủ số 2 của thị trường, Tesla, vốn mất dần mất thị phần trong hai năm qua cho đến khi cải thiện trong quí đầu tiên nhờ giảm giá bán. Thị phần xe điện của Tesla ở Trung Quốc dự kiến đạt 11% trong năm nay. Có nghĩa là BYD và Tesla cùng nhau chiếm gần nửa miếng bánh của thị trường.

Trong khi đó, một số hãng xe điện từng gây chú ý đã âm thầm biến mất. Nhiều mẫu xe điện ban đầu được chế tạo chủ yếu để đủ điều kiện nhận trợ cấp và đáp ứng các yêu cầu hạn chế khí thải. Chúng thường không được thiết kế tinh tế và không có hiệu suất cao.

Trong giai đoạn 2015-2017, Zhidou Electric Vehicle Co., có trụ sở tại Ninh Hải, tỉnh Chiết Giang, bán được tổng cộng khoảng 100.000 xe điện với quãng đường di chuyển chỉ 100 km sau một lần lần sạc từ năm 2015 đến 2017. Nhà sản xuất này nhanh chóng biến mất khỏi thị trường khi Bắc Kinh chấm dứt trợ cấp cho những chiếc xe điện có quãng đường di chuyển dưới 150 km giữa các lần sạc vào năm 2018.

Tương tự, Beijing Electric Vehicle Co., đơn vị xe điện của hãng xe quốc doanh BAIC Motor Corp. dẫn đầu doanh số bán ô tô thuần điện trong hơn 5 năm bằng cách nhắm mục tiêu chủ yếu vào các công ty vận hành đội xe. Tuy nhiên, công ty này bắt đầu báo lỗ sau khi trợ cấp suy giảm. Giờ đây, công ty đã thay đổi chiến lược kinh doanh.

Byton Ltd., được thành lập bởi các cựu quản lý của hãng xe BMW, đã phải tạm dừng sản xuất trước khi giao chiếc xe điện đầu tiên. Trong khi đó, Zhiche Youxing Technology Shanghai Co., hãng xe điện từng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu vào năm 2019, đứng bên bờ vực phá sản vào năm 2022.

Một trong những nạn nhân gần đây nhất do chậm thay đổi là WM Motor Technology Group Co., nhà sản xuất xe điện có trụ sở tại Thượng Hải, được tập đoàn công nghệ Baidu hỗ trợ tài chính.

Hồi tháng 1, WM Motor tuyên bố sẽ sẽ sử dụng phương pháp sáp nhập ngược để niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông. Tuy nhiên, nhiều báo cáo sau đó cho biết công ty đang cắt giảm lương và tiến hành sa thải nhân viên giữa lúc doanh số sụt giảm.

Freya Cui, một cư dân ở thành phố Thạch Gia Trang và là một trong những chủ sở hữu sớm nhất của chiếc xe thể thao đa dụng EX5 của WM Motor, đã phải vứt bỏ chiếc xe bốn năm tuổi của mình trong ga-ra do lỗi bộ pin.

Đại lý bán hàng nói với cô rằng không có sản phẩm thay thế nào có sẵn vì WM Motor đang gặp khó khăn về tài chính và Cui không phải là khách hàng duy nhất chịu tình cảnh oái ăm này. Giải pháp của Cui là mua một chiếc ô tô chạy bằng xăng giá rẻ cho mục đích đi lại, đồng thời nuôi hy vọng về sự phục hồi của WM Motor.

“Tôi đã đặt hàng ngay cả trước khi nhìn thấy chiếc xe thực tế vì chế độ bảo hành trọn đời cho bộ pin là một điểm cộng rất lớn đối với tôi. Ai có thể nghĩ rằng một ngày nào đó công ty sẽ đứng trên bờ vực sụp đổ?”, cô nói.

Theo nhà cung cấp dữ liệu thị trường vốn Preqin, WM Motor đã thu hút được hai trong số năm khoản đầu tư mạo hiểm hàng đầu trêm thị trường ô tô sạch ở Trung Quốc kể từ năm 2018. Các nhà đầu tư của WM Motor gồm từ các ngân hàng quốc doanh hàng đầu cho đến các công ty công nghệ.

Jochen Siebert, đối tác quản lý của hãng tư vấn ô tô JSC Automotive (Singapore) hy vọng các tính năng thú vị như chức năng lái tự động, màn hình tích hợp lớn và thậm chí cả hệ thống karaoke có trong làn sóng xe điện ban đầu sẽ nhường chỗ cho sự tập trung vào an toàn, hiệu suất và độ bền. Sự thay đổi này có thể mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Volkswagen của Đức trên thị trường xe điện Trung Quốc.

Theo Bloomberg
Lê Linh - TheSaigonTimes.vn
0 Nhận xét