Khi nhãn hiệu không thể một tay che cả tên miền

(KTSG) - Doanh nghiệp cần một trang web để khẳng định uy tín. Các khách hàng trẻ hiện nay dễ dàng đặt ra nghi vấn khi doanh nghiệp không có nổi một trang web với tên miền “xịn” và được thiết kế giao diện bắt mắt.
Khi nhãn hiệu không thể một tay che cả tên miền

Trang web: một phần thiết yếu của doanh nghiệp thời đại internet

Ngày nay, trang web đang dần trở thành vật bất ly thân cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phổ biến. Trang web không chỉ dành cho doanh nghiệp vận hành hoạt động mua bán sản phẩm trên Internet, mà còn là một kênh giới thiệu và quảng bá bản thân vô cùng hữu hiệu. Bởi lẽ, từ góc độ khách hàng hay đối tác, họ cũng thường có xu hướng tìm hiểu về doanh nghiệp mà mình dự định giao kết hợp đồng trước hết là thông qua chính trang web của doanh nghiệp đó. Các khách hàng trẻ hiện nay dễ dàng đặt ra nghi vấn khi doanh nghiệp không có nổi một trang web với tên miền “xịn” và được thiết kế giao diện bắt mắt.

Địa chỉ trang web (hay chính xác hơn là địa chỉ IP) để truy cập vào trang web thực chất là một dãy chữ số thập phân được ngăn cách nhau bởi các dấu chấm. Dãy số như vậy rất khó nhớ, do đó, tên miền ra đời nhằm đưa đến người dùng Internet công cụ sử dụng thuận tiện hơn. Một tên miền thường được coi là “xịn” nếu chứa chính xác dấu hiệu tên riêng của doanh nghiệp, và kết thúc bằng đuôi (thuật ngữ chuyên ngành gọi là tên miền cấp cao nhất – Top Level Domain) quen thuộc như .com, .net, .vn, .com. vn,… Từ đó, những tên miền kết thúc bằng đuôi không phổ biến sẽ ít đem lại cảm giác tin cậy hơn.

Đăng ký tên miền là một thủ tục mang tính quốc tế, bởi người dùng có thể thực hiện ở bất kỳ đâu theo nguyên tắc nộp đơn sớm nhất. Ngay sau khi hoàn tất, tên miền lập tức có hiệu lực trên toàn thế giới và đem lại cho chủ sở hữu sự độc quyền tuyệt đối rằng không một ai đến sau có thể đăng ký tên miền giống 100% với tên miền của họ. Thủ tục đăng ký cũng vô cùng đơn giản, thực hiện thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với mức giá phải chăng, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến dưới triệu đồng/năm, tùy thuộc vào loại tên miền cấp cao nhất.

Nhãn hiệu được bảo hộ, tên miền phải mua

Có một sự nhầm lẫn phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam là họ cho rằng, nếu đã sở hữu nhãn hiệu được bảo hộ thì tên miền trang web tất nhiên cũng sẽ thuộc về họ. Dẫu biết giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là một tấm khiên vững chắc bảo vệ doanh nghiệp, thật tiếc là tấm khiên đấy không nhiều quyền năng đến vậy. Tên miền thực chất không phải là một đối tượng được quy định bởi pháp luật sở hữu trí tuệ. Do vậy, kể cả khi đã đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp vẫn phải chủ động mua quyền sở hữu tên miền nếu không muốn chậm chân và bị các chủ thể khác giành chỗ trước.

Tuy nhiên, mua bao nhiêu tên miền mới đủ để an tâm kinh doanh, khi mà chỉ cần khác nhau một ký tự bất kỳ là đã trở thành một tên miền tương tự với nhãn hiệu hay tên riêng doanh nghiệp nhưng lại hoàn toàn mới, có thể được người khác đăng ký một cách hợp pháp. Trong trường hợp đó, chỉ cần đối phương có dụng ý xấu, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị chiếm dụng tên miền. Kể cả bên sở hữu tên miền không có dụng ý xấu, nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua lại tên miền tương tự với nhãn hiệu, hay tên riêng doanh nghiệp để tránh gây bối rối cho khách hàng của mình. Chẳng hạn, năm 2010, Facebook đã chi đến 8,5 triệu đô la Mỹ để mua lại tên miền www.fb.com từ Liên đoàn Nông trại Mỹ (AFBF)(1).

Nhận thấy rủi ro quá lớn cho chủ sở hữu nhãn hiệu vì việc đăng ký tên miền quá dễ dàng, các nhà làm luật quốc tế cũng như Việt Nam đã tạo nên một “chiếc phao cứu sinh”. Theo đó, nếu người nào chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý của người khác với dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng nhằm thu lợi bất chính thì sẽ bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh điều chỉnh bởi pháp luật sở hữu trí tuệ.

Tên miền – “ông lớn” cũng chật vật

Thực tiễn chỉ ra rằng, các tên tuổi lớn thường phải “đau đầu” vì tình trạng chiếm dụng tên miền hơn cả. Khi mới chân ướt chân ráo thâm nhập vào thị trường nước ngoài, họ đôi khi phải hứng chịu một gáo nước lạnh từ ai đó đã lấy nhãn hiệu của mình để đăng ký tên miền. Vào thị trường Việt Nam, các “ông lớn” thực ra cũng rất chật vật với chuyện tên miền.

Tập đoàn danh tiếng BMW trải qua tình trạng như vậy khi một cá nhân Việt Nam đã đăng ký hàng loạt tên miền bmwmotorrad.com.vn; bmw-motorrad.com.vn; bmwmotorrad.vn; bmw-motorrad.vn để kinh doanh dịch vụ sửa chữa và mua bán phụ tùng ô tô. BMW sau đó phải mất gần ba năm với hàng trăm triệu đồng chi phí luật sư, giám định… nhằm theo đuổi vụ kiện ở hai cấp xét xử mới đạt được phán quyết thu hồi các tên miền nói trên và ưu tiên cho BMW đăng ký sử dụng(2).

Nhưng “ông lớn” ô tô đến từ Đức không hề lẻ loi. Năm 2021, tập đoàn bảo hiểm có trụ sở tại Canada là Manulife phải thông qua Trung tâm Hòa giải và Trọng tài thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) để giành quyền sở hữu với tên miền baohiemmanulife.com và baohiemanulife.net(3). Tương tự, mới đây nhất, vào tháng 5-2023, kỳ lân công nghệ Đông Nam Á Grab cũng một lần nữa nhờ đến phán quyết của trung tâm nói trên để thu hồi tên miền grabbinhduong.com(4).

Có thể thấy, cơ chế đăng ký tên miền thông thoáng đã tạo kẽ hở cho nhiều chủ thể chiếm dụng với mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp liên quan. Bởi vậy, doanh nghiệp trong nước cần rút kinh nghiệm, sớm đăng ký các tên miền có đuôi phổ biến, kể cả khi chưa có nhu cầu xây dựng trang web. Ngoài ra, khi có chứng cứ các chủ thể khác chiếm dụng tên miền để thu lợi bất chính, doanh nghiệp có nhiều công cụ để giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, hòa giải, trọng tài, xử lý hành chính, hay khởi kiện vụ án dân sự tại tòa.

Nguyễn Lương Sỹ
(*) Giảng viên trường Đại học Luật, Đại học Huế

(1) https://dazeinfo.com/2020/04/11/microsoft-makes-a-new-purchase-worth-1-7-million/
(2) Bản án số: 24/2020/KDTM-PT Ngày 22-6-2020 của TAND cấp cao tại TPHCM.
(3) WIPO Arbitration and Mediation Center, Administrative Panel Decision, Case No. D2021-2342.
(4) WIPO Arbitration and Mediation Center, Administrative Panel Decision, Case No. D2023-1440.
0 Nhận xét