Thiếu minh bạch từ dự án xe đạp in 3D của Lê Diệp Kiều Trang

Công ty Arevo Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) vừa chấm dứt hoạt động đầu tư dự án sản xuất liên quan xe đạp in 3D sử dụng vật liệu polymer sợi. Không chỉ đánh giá chất lượng sản phẩm, phản ứng của khách hàng mà câu chuyện đầu tư, huy động vốn, quản lý hoạt động của startup còn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.

Chất lượng kém, từ bỏ trách nhiệm

Công ty Arevo Việt Nam từng tạo nên sự phấn khởi cho cộng đồng khi chiếc xe đạp bằng sợi carbon in 3D Superstrata giao cho khách hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 10-2021. Nhưng niềm vui chưa lâu, lời phàn nàn của người đặt xe xuất hiện ngày càng nhiều.

Anh Trần Mạnh Hiệp (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cho biết: “Hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp, tôi đặt hàng chiếc xe đạp in 3D carbon được sản xuất tại SHTP với giá 3.000USD. Nhưng từ ngày đặt xe (tháng 7-2020) đến 2 năm sau mới nhận được. Chiếc xe có nhiều phụ tùng dỏm kèm theo, khung xe kém hoàn thiện, nguy cơ gây mất an toàn. Liên hệ qua hệ thống đặt xe, thậm chí với chủ dự án nhưng tôi chỉ nhận được sự thờ ơ và còn bị cắt liên lạc”.

Không chỉ vậy, khách hàng ở nước ngoài phàn nàn cũng không ít trên các diễn đàn, như khách hàng Fallguy chia sẻ: “Xe tôi đã được giao vào 2 ngày trước, tôi mang nó đến một thợ xe đạp để lắp ráp. Họ nói rằng chiếc xe đạp không phù hợp để chạy. Tôi phản hồi với nhà sản xuất nhưng cũng vô vọng”.
Xe đạp Superstrata bị cộng đồng tố kém chất lượng
Chiếc xe đạp Superstrata bị người dùng phản ánh kém chất lượng kéo dài cả năm và đến ngày 1-7-2023, Công ty TNHH Arevo Việt Nam, nhà sản xuất những chiếc xe đạp này đã chấm dứt hoạt động đầu tư tại SHTP. Nhiều vấn đề tiếp tục hé lộ. Anh Bùi Bình Minh, ở Hà Nội, nhận xe đạp Superstrata ngay lô hàng đầu tiên, khi anh thay thế bộ líp mới cho xe đạp thì có vấn đề vì thiết kế khung xe không được tối ưu cho bộ líp 10 tốc độ.

Vào tháng 10-2020, bà Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Arevo Việt Nam đã đăng trên trang cá nhân: “Cơ hội cuối cùng dành cho các bạn quan tâm, muốn mua xe đạp Superstrata được giảm giá (~50% off) tại http://bit.ly/superstratacampaign...”.

Gia công khung chuyển thành bán nguyên chiếc?!

Chiếc xe đạp Superstrata có mức giá từ 2.800USD đến 3.500USD tùy vào những lựa chọn của người dùng. Đến ngày 2-7 vừa qua, trên trang Superstrata.bike cho thấy có 4.493 người đặt xe. Số tiền nhà đầu tư thu về từ dự án xe đạp Superstrata không phải là nhỏ.

Chủ đầu tư của Công ty TNHH Arevo Việt Nam là bà Lê Diệp Kiều Trang và chồng là Sonny Xuan Vu. Arevo Việt Nam có số vốn đăng ký là 19,5 triệu USD. Đến thời điểm ngưng hoạt động (ngày 16-5-2023), Arevo Việt Nam đã chi 165,59 tỷ đồng (chiếm 35,9% tổng vốn đầu tư đăng ký), trong đó, Arevo Inc (Hoa Kỳ) góp 23,03 tỷ đồng và 142,56 tỷ đồng là phần vốn huy động từ cổ đông.×

Ngày Ban quản lý SHTP trao giấy phép đầu tư cho dự án, bà Lê Diệp Kiều Trang và ông Sonny Xuan Vu đều có mặt. Trong giấy chứng nhận đầu tư của công ty này ghi rõ mục tiêu xây dựng dự án, gồm 4 hạng mục: “Máy in 3D Aqua sử dụng sợi carbon nền polymer; phần mềm thiết kế và mô phỏng (Xplorator); vật liệu sợi carbon nền polymer (PEEK, Nylon...) dành cho in 3D; dịch vụ in 3D từ sợi carbon”, không có hạng mục nào ghi cụ thể về chiếc xe đạp Superstrata.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty đã sản xuất máy in 3D Aqua sử dụng sợi carbon nền polymer, từ máy in này đã làm ra khung xe đạp Superstrata và thậm chí còn gia công khung xe cho một đối tác khác, nhưng bằng cách nào đó, Arevo Việt Nam đã cho ra đời chiếc xe đạp Superstrata được đóng nguyên kiện với chữ Made in Vietnam.

Một thành viên ở SHTP khẳng định: “Arevo Việt Nam không hề sản xuất xe đạp ở SHTP”. Với việc sản xuất, đóng gói xe đạp Superstrata tại Việt Nam và giao đến khách hàng trong nước, sản phẩm phải chịu các quy định của pháp luật vì Arevo Việt Nam là công ty Việt Nam. Giấy chứng nhận đầu tư của dự án này nêu rõ: “Sản phẩm của dự án nếu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam phải đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa, hợp chuẩn và phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam”.

Đây là vấn đề dư luận đặt ra để làm rõ nguồn gốc của sản phẩm, tức xe đạp Superstrata được “định vị” gắn liền với danh tiếng của chủ đầu tư cũng như uy tín của SHTP.

Việc đầu tư ở SHTP được rất nhiều ưu đãi, đặc biệt là thuế nên vào tháng 1-2021 phía Công ty Arevo Việt Nam đề nghị có chính sách ưu đãi thuế với dịch vụ in 3D từ sợi carbon, liên quan đến khung xe đạp Superstrata, tuy nhiên Chi cục Hải quan SHTP không đồng ý.

Vậy lý do chấm dứt hoạt động của Arevo Việt Nam là “nhà đầu tư chưa thể sản xuất vật liệu carbon dẫn tới tăng chi phí, tạo ra thành phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường…” như Arevo Việt Nam đã đưa ra trên trang mạng rõ ràng là sự bào chữa thiếu tính thuyết phục!

Một nhà đầu tư công nghệ cao đề nghị không nêu tên cho rằng, với hạng mục dịch vụ in 3D từ sợi carbon mà ở đây là khung xe đạp lại đòi được ưu đãi thuế thì Arevo Việt Nam “khôn hết phần của thiên hạ”, bởi nay làm khung xe đạp rồi hôm sau làm hàng trăm sản phẩm khác, lại tiếp tục đòi ưu đãi thuế thì ai chấp nhận được.

Trong khi đó, đại diện Ban quản lý SHTP cho biết, trong hoạt động đầu tư, nhà đầu tư dừng dự án là chuyện bình thường và nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của họ.

* Ông HUỲNH KIM TƯỚC, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (SIHUB):

Cảnh báo kiểu startup “săn” nhà đầu tư

Một startup có thành công hay không phụ thuộc vào công nghệ và hệ sinh thái hỗ trợ phát triển sản phẩm của startup đó cũng như “tâm tính” của mỗi người.

Thực tế thời gian qua, không ít nhà đầu tư bị startup “lừa” và thường nằm ở giai đoạn gọi vốn. Nhà đầu tư dựa trên dữ liệu startup cung cấp hoặc tự tìm hiểu; trong khi đó startup bỏ tiền làm truyền thông, mua và xây dựng dữ liệu “thật đẹp”, thậm chí dựng lên những dự án cụ thể để minh chứng với nhà đầu tư. Giai đoạn đầu của startup thường khá lung linh với kế hoạch kinh doanh đầy triển vọng lẫn lý lẽ cao đẹp.

Nhưng sau đó thì... hên xui, tùy vào toan tính của startup và nếu muốn, sẽ có hàng ngàn lý do để đóng dự án. Khi đó đã quá muộn cho nhà đầu tư vì họ đã “xuống tiền”. Thực trạng này gây ảnh hưởng rất xấu đến bức tranh chung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ở góc độ nào đó, xe đạp Superstrata là sản phẩm dự án, dù là nhà đầu tư hay phía mua cũng có những rủi ro nhất định. Nhưng với sự việc xe đạp Superstrat bị cộng đồng phản ánh kém chất lượng, giao sản phẩm lỗi, khách hàng hỏi thì im lặng, giấu thông tin dự án chấm dứt hoạt động đầu tư… đã ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh giới startup trong và ngoài nước, tác động không tốt đến bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà Chính phủ đang gầy công xây dựng.

TẤN BA ghi
* Luật gia PHAN THỊ VIỆT THU, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM:

Khách hàng cần khiếu nại để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Về phía tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Với tranh chấp phát sinh trong địa bàn một tỉnh, thành phố (người tiêu dùng và doanh nghiệp đang ở trên cùng một địa bàn), người tiêu dùng có thể gửi yêu cầu tới Sở Công thương các tỉnh, thành phố; Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố đó.

Với vụ việc lùm xùm liên quan đến dự án Superstrata lừa đảo, xe đạp kém chất lượng… người tiêu dùng cũng căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên để bảo vệ quyền lợi của mình. Với khách hàng tại TPHCM, có thể gửi yêu cầu đến Sở Công thương TPHCM, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM… để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
THI HỒNG ghi
BÁ TÂNTheo SGGP
0 Nhận xét