Công nghệ phát triển, việc kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử cũng lên ngôi. Tính đến tháng 05/2023, ngành thương mại điện tử Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 25% với quy mô trên 20 tỷ USD.“5 ông lớn” trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam hiện nay là: Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo. Vậy các sàn thương mại điện tử này có những ưu nhược điểm gì? Cùng khám phá trong bài viết sau đây nhé!
1. Shopee
Shopee chính thức được thành lập năm 2015 bởi tập đoàn SEA của Forrest Li có trụ sở chính tại Singapore. Trải qua hơn 8 năm hoạt động, Shopee chính là nền tảng bán hàng lớn nhất tại Việt Nam khi liên tục đứng đầu về lượt tương tác và chỉ số bán hàng (theo báo cáo Iprice và Reputa).
Phí bán hàng với Shopee
Để bán hàng trên Shopee cần chi trả các loại chi phí sau:
Phí thanh toán: Là loại phí áp dụng cho mỗi đơn hàng giao thành công trên Shopee (bao gồm đơn hàng có phát sinh yêu cầu “trả hàng hoàn tiền” đã được chấp nhận). Những đơn hàng chưa được nhận sẽ không tính vào loại phí này. Phí thanh toán sẽ được trừ trực tiếp vào mỗi đơn hàng trước khi được chuyển vào tài khoản dư Shopee của người bán.
Bắt đầu từ ngày 02/01/2023, Shopee đã áp dụng mức giá phí thanh toán mới, cụ thể là 3% (đã bao gồm VAT) cho tất cả hình thức thanh toán.
Phí thanh toán = (Tổng đơn hàng + Phí vận chuyển – Khuyến mãi đã áp dụng (nếu có)) x 3%
Công thức tính phí thanh toán sàn TMĐT Shopee
Phí cố định: Có thể hiểu như tiền hoa hồng cho mỗi đơn hàng giao thành công trên Shopee (bao gồm đơn hàng có phát sinh yêu cầu “trả hàng hoàn tiền” đã được chấp nhận).
Mức phí cố định sẽ được áp dụng dựa trên 2 trường hợp:
Đối với nhà bán hàng không thuộc Shopee Mall:
Phí cố định = Tổng giá trị đơn hàng x 3% (đã bao gồm thuế VAT)
Đối với nhà bán hàng thuộc Shopee Mall:
Phí cố định = Tổng giá trị đơn hàng x tỷ lệ phần trăm cố định (đã bao gồm thuế VAT)
Trong đó:
Tổng giá trị đơn hàng = Tổng giá bán sản phẩm – chi phí Người bán tài trợ (không bao gồm phí vận chuyển và chi phí Shopee tài trợ).
Mỗi ngành hàng sản phẩm đăng bán của Shop sẽ có một tỷ lệ phần trăm Phí cố định khác nhau.
Ngoài 2 khoản phí trên, người bán trên Shopee có thể trả một số phí khi sử dụng các dịch vụ: Voucher Xtra, Freeship Xtra, gói Freeship, Xtra Plus của Shopee.
Bán hàng trên Shopee - Nguồn: Internet |
Ưu điểm khi bán hàng tại Shopee
- Đăng ký bán hàng đơn giản
- Thao tác đăng sản phẩm và lên đơn dễ dàng
- Miễn phí đăng ký bán hàng
- Số lượng người dùng khổng lồ
Nhược điểm khi bán hàng tại Shopee
- Cạnh tranh giá gay gắt: Quá nhiều gian hàng cùng phân loại với nhiều mức giá khác nhau
- Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan
- Chỉ hỗ trợ phí vận chuyển với đơn hàng có giá trị cao
2. Lazada
Lazada là sàn thương mại điện tử quốc tế được thành lập bởi Maximilian Bittner vào năm 2012. Lazada cung cấp môi trường mua sắm trực tuyến đa dạng và tiện lợi cho người dùng từ nhiều quốc gia trong khu vực. Lazada Việt Nam thuộc quyền của Tập đoàn Alibaba – Tập đoàn thương mại điện tử đa quốc gia.
Phí bán hàng với Lazada
Để bán hàng trên Lazada cần chi trả các loại chi phí sau:
Phí thanh toán: Là chi phí xử lý đơn hàng được tính trên mỗi đơn hàng được giao thành công.
Từ 01/02/2023, mức phí thanh toán được áp dụng là 2.72% (chưa bao gồm VAT) và 2.992% (đã bao gồm VAT), áp dụng cho tất cả hình thức thanh toán.
Phí thanh toán (đã bao gồm VAT) = 2.992% x (giá sản phẩm – chi phí nhà bán hàng tài trợ + phí vận chuyển trả từ khách hàng)
Công thức tính phí thanh toán sàn TMĐT Lazada
Phí cố định:
Đối với nhà bán hàng Lazmall:
Phí cố định = Biểu phí x 1.1 (VAT) x (giá sản phẩm – chi phí nhà bán hàng tài trợ)
Công thức tính phí cố định đối với nhà bán hàng Lazmall
Đối với Shop Xịn: Phí cố định sẽ từ 1% – 2% tùy thuộc vào ngành hàng bạn kinh doanh (mức phí này áp dụng trên mỗi đơn hàng thành công và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Đối với nhà bán hàng thường:
Phí cố định (đã bao gồm VAT) = 2.992% x (giá bán sản phẩm – chi phí nhà bán hàng tài trợ trên sản phẩm) và không bao gồm chi phí vận chuyển
Công thức tính phí cố định đối với nhà bán hàng thường
Bán hàng trên Lazada - Nguồn: Internet |
Ưu điểm khi bán hàng trên Lazada
- Miễn phí đăng ký bán hàng
- Dịch vụ hỗ trợ bán hàng tận tâm
- Nhiều chiến lược quảng bá lớn
- Hỗ trợ giao hàng và thu tiền hộ, liên kết với các đơn vị vận chuyển uy tín
Nhược điểm khi bán hàng trên Lazada
- Đăng ký bán hàng qua nhiều thủ tục
- Phí vận chuyển tương đối cao so với các sàn thương mại điện tử khác
3. TikTok Shop
TikTok Shop là một tính năng mới ra mắt vào năm 2022 của TikTok cho phép người dùng mua sắm trực tiếp các sản phẩm được quảng cáo trên nền tảng này. Tức là, bạn vừa có thể xem video vừa có thể mua hàng ngay trên nền tảng TikTok mà không phải chuyển qua một nền tảng nào khác.
Phí bán hàng với TikTok Shop
Để bán hàng trên TikTok shop cần chi trả các loại chi phí sau:
Phí giao dịch: Từ ngày 13/04/2023 hệ thống sẽ tăng phí giao dịch TikTok Shop lên 3% (đã bao gồm thuế VAT)
Phí giao dịch = (Thanh toán của khách hàng – Hoàn tiền cho đơn của khách hàng) x 3%
Công thức tính phí giao dịch trên TikTok Shop
Phí Xtra ship: 4.5%
Phí Marketing (người bán hàng có thể tham gia hoặc không):Phí Affliate: Khoảng 5% – 10%.
Phí chạy quảng cáo : Khoảng 10% – 20%
Phí chương trình tạo voucher sản phẩm: Khoảng 5% – 10%.
Phí chương trình chạy flashsale: Khoảng 5% – 10%.
Phí tham gia chiến dịch sàn (siêu sale): Khoảng 10%.
Bán hàng trên TikTok Shop - Nguồn: Internet |
Ưu điểm khi bán hàng trên Tiktok shop
- Số lượng người dùng đang ngày càng tăng nhanh
- Thu hút người dùng xem livestream bán hàng hiệu quả
- Đặt đơn hàng nhanh chóng chỉ với vài thao tác
Nhược điểm khi bán hàng trên Tiktok shop
- Người mua hàng khi bỏ qua video/ livestream mà không lưu lại thì khó để tìm mua sản phẩm.
4. Tiki
Tiki là một trong các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, được thành lập vào tháng 03/2010. Tiki cung cấp trải nghiệm mua sắm thuận tiện, chất lượng và đáng tin cậy cho hàng triệu người dùng. Nền tảng này cũng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và dịch vụ giao hàng nhanh chóng, giúp mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
Phí bán hàng với Tiki
Để bán hàng trên Tiki cần chi trả các loại chi phí sau:
- Phí bán hàng: 2%/ sản phẩm
- Phí chiết khấu: Tùy sản phẩm có chiết khấu từ 0,9 – 18%
- Phí hỗ trợ chương trình hoạt động trả góp trên Tiki: 3%/ sản phẩm (áp dụng giá trị đơn hàng tối thiểu 3.000.000 VNĐ)
- Phí vận hành: Tùy thuộc vào mô hình vận hành mà nhà bán hàng sử dụng (FBT, Dropship, Nhà Bán tự vận hành).
Bán hàng trên Tiki- Nguồn: Internet |
Ưu điểm khi bán hàng trên Tiki
- Miễn phí duy trì cửa hàng
- Chính sách bán và kiểm hàng nghiêm ngặt
- Phù hợp với mặt hàng “sách” với tỷ lệ chiết khấu cao
- Đa dạng hình thức thanh toán
Nhược điểm khi bán hàng trên Tiki
- Phải đăng ký kinh doanh mới có thể bán hàng trên Tiki (chỉ riêng ngành hàng thời trang là không phải đăng ký kinh doanh vẫn bán được)
- Mặt hàng không đa dạng so với các sàn thương mại điện tử khác
- Phí truy thu chiết khấu cao
5. Sendo
Sendo là sàn thương mại điện tử do Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ phát triển và chính thức ra mắt vào năm 2012. Sendo cung cấp đa dạng các loại hàng hóa cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nên cực kỳ thu hút người dùng.
Phí bán hàng với Sendo
Để bán hàng trên Sendo cần chi trả các loại chi phí sau:Phí thanh toán: 2%/ sản phẩm
Phí xử lý đơn hàng: 2%/ mỗi đơn hàng giao thành công
Bán hàng trên Sendo- Nguồn: Internet |
Ưu điểm khi bán hàng trên Sendo
- Không tốn phí khi mở gian hàng
- Phát triển mạnh mảng thời trang và phi công nghệ
- Dễ dàng đổi trả hàng hóa
- Đăng ký bán hàng đơn giản
- Mạng lưới giao hàng toàn quốc
Nhược điểm khi bán hàng trên Sendo
- Khâu kiểm duyệt gian hàng và hàng hóa còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng bán hàng giả, kém chất lượng tràn lan
- Giá hoàn hàng cao (lên đến 20%)
Bài viết trên đây là thông tin về đánh giá chi tiết các sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam cho bạn tham khảo. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại cho bạn cái nhìn tổng quan về các sàn thương mại điện tử để “chọn mặt gửi vàng” trong hành trình kinh doanh của mình nhé!
Theo PV