(KTSG) – Trong một tập gần đây của chương trình Thương vụ bạc tỉ (Shark Tank Vietnam) mùa 6, nhà sáng lập của một công ty cho biết đã đăng ký nhãn hiệu X tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và tại nhiều quốc gia khác. Sau đó, khi trả lời câu hỏi của Shark, nhà sáng lập này cho hay nhãn hiệu X là của một công ty có trụ sở tại Canada mà chính nhà sáng lập này từng là đơn vị phân phối tại thị trường Việt Nam. Và rằng nhà sáng lập này làm như vậy vì biết được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ theo quốc gia.
Mượn trường hợp nói trên, tác giả bàn luận xoay quanh việc đăng ký nhãn hiệu có phải chỉ đơn giản là nhanh chóng nộp đơn trước tại nơi mà nhãn hiệu đó chưa có ai đăng ký?
Đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu: tiên hạ thủ vi cường? |
Đất có thổ công, sông có hà bá
Câu ngạn ngữ "Đất có thổ công, sông có hà bá" hàm ý ở bất kỳ nơi nào cũng tồn tại những luật lệ, quy định riêng mà người khác phải tôn trọng. Điều này cũng đúng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nơi mà pháp luật quốc gia sẽ chi phối các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi quốc gia đó. Theo đó, một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thì giá trị pháp lý hay phạm vi bảo hộ thường chỉ giới hạn trong quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tương ứng.
Ví dụ, một nhãn hiệu A được bảo hộ tại Việt Nam không đồng nghĩa sẽ được bảo hộ tại Mỹ hay Nhật Bản. Muốn được bảo hộ tại các quốc gia này, chủ nhãn hiệu A phải đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ khi đủ điều kiện theo pháp luật quốc gia đăng ký.
Pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận nguyên tắc lãnh thổ nêu trên, như việc quy định văn bằng bảo hộ chỉ có hiệu lực bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam (1). Vì vậy, muốn được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung hay nhãn hiệu nói riêng tại quốc gia khác, chủ đơn cần phải tiến hành xác lập quyền trực tiếp tại quốc gia đó hoặc thông qua các cơ chế đăng ký quốc tế.
Tiên hạ thủ vi cường
Hiện nay, bên cạnh một số quốc gia bảo hộ nhãn hiệu dựa trên việc ưu tiên người sử dụng trước (first to use) thì ngược lại, nhiều quốc gia bảo hộ trên nguyên tắc ưu tiên người đăng ký trước (first to file).
Tại Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được xác lập thông qua thủ tục đăng ký (2). Nghĩa là, một nhãn hiệu chỉ được bảo hộ trên cơ sở đã thực hiện thủ tục đăng ký thành công tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Trong trường hợp có các đơn đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau thì theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho chủ đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm hơn. Nôm na, chủ đơn nào nộp đơn đăng ký trước thì được cấp văn bằng bảo hộ, các chủ đơn còn lại sẽ bị từ chối. Đây là nội dung cơ bản của nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (3). Ta có thể tạm mượn hình ảnh qua câu tục ngữ “trâu chậm uống nước đục” để nguyên tắc này gần gũi và dễ hiểu hơn.
Dĩ nhiên, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên nêu trên chỉ áp dụng khi các nhãn hiệu cũng được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau. Khi đó, có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng và vì vậy nguyên tắc này sẽ làm cơ sở để xác định đơn nào sẽ được cấp văn bằng, trong số các đơn đều đáp ứng điều kiện bảo hộ.
Có lẽ nắm được các nguyên tắc nêu trên, nhà sáng lập trong chương trình đã nhanh chóng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu X của công ty mà chính mình từng là nhà phân phối. Tuy nhiên, liệu mọi việc chỉ đơn giản là nhanh chóng đăng ký một nhãn hiệu?
Dụng ý xấu hay tiên hạ thủ vi cường?
Đăng ký nhãn hiệu hay xác lập quyền đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ là một nhu cầu chính đáng của bất kỳ doanh nhân nào. Tuy nhiên, trường hợp đăng ký với dụng ý xấu là một trong các trường hợp mà cơ quan nhà nước có quyền từ chối cấp hoặc hủy văn bằng bảo hộ (trong trường hợp đã cấp) (4).
Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu hay gọi theo lối dân dã là “đầu cơ nhãn hiệu”. Bằng cách tìm kiếm các nhãn hiệu tiềm năng nhưng chưa được xác lập quyền hoặc chỉ mới đăng ký ở một số quốc gia nhất định, người đầu cơ sẽ tranh thủ nộp đơn đăng ký tại nơi mà các nhãn hiệu chưa xác lập quyền. Tiếp đến, khi chủ sở hữu của các nhãn hiệu tiềm năng nộp đơn đăng ký tại các quốc gia này thì với lợi thế nộp đơn trước hoặc đã được cấp văn bằng bảo hộ, người đầu cơ buộc họ phải thay đổi nhãn hiệu khác hoặc phải chịu một khoản chi phí để được sử dụng hoặc “chuộc” lại nhãn hiệu. Trường hợp không thực hiện các cách này, chủ sở hữu nhãn hiệu thực sự có khi phải từ bỏ cơ hội chinh phục một thị trường mới.
Để ngăn ngừa hiện tượng “đầu cơ nhãn hiệu” nêu trên, pháp luật quy định bất kỳ chủ thể nào chứng minh được người nộp đơn có dụng ý xấu thì nhãn hiệu sẽ bị từ chối bảo hộ – ngay cả khi đã nhận được văn bằng bảo hộ.
Trong vụ việc cụ thể, một công ty tại Việt Nam nhận phân phối hàng hóa từ công ty khác ở nước ngoài rồi sau đó nộp đơn đăng ký đối với nhãn hiệu của hàng hóa mà mình đang nhận phân phối, như vụ việc sau:
(i) Công ty H là nhà phân phối sản phẩm băng vệ sinh của Công ty Hang Fang, mang nhãn hiệu “Natural Lady, hình”.
(ii) Vào ngày 20-8-2014, Công ty H đã nộp đơn đăng ký đối với nhãn hiệu này và được cấp văn bằng bảo hộ vào ngày 30-11-2015.
(iii) Vào năm 2017, khi Công ty Hang Fang nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì bị từ chối theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Công ty H đề nghị Công ty Hang Fang mua lại nhãn hiệu với giá 3 tỉ đồng (5). Không đồng ý, Công ty Hang Fang thực hiện yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ cho Công ty H với lý do không trung thực trong đăng ký.
(iv) Vào ngày 29-6-2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Natural Lady, hình” vì Công ty H có hành vi không trung thực, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ hàng hóa và ảnh hưởng tới uy tín của Công ty Han Fang. Kết luận này dựa vào việc Công ty H là nhà nhập khẩu, đại lý phân phối sản phẩm Natural Lady do Công ty Han Fang sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nên việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu của Công ty H là hành vi không trung thực, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (6).
Vụ việc bị hủy nêu trên không phải là duy nhất. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ từ chối cấp hoặc hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu do người nộp đơn không trung thực, theo quy định hiện hành là nộp đơn có dụng ý xấu. Điều đó cho thấy, nếu việc đăng ký nhãn hiệu chỉ nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi thì nhiều khả năng người thực hiện sẽ không đạt được mục tiêu, thậm chí có nguy cơ mất trắng.
Trở lại với trường hợp nhà sáng lập trên chương trình truyền hình, có thể thấy sự “thật thà” trên sóng truyền hình có thể là bằng chứng chống lại chính anh trong trường hợp công ty sở hữu nhãn hiệu tại Canada muốn phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ với lý do người nộp đơn có dụng ý xấu. Khi đó, chưa rõ anh sẽ trả lời ý kiến phản đối thế nào, nhưng nhiều khả năng là bước vào một trận chiến pháp lý tốn thời gian và chi phí.
Việc nhà sáng lập nêu trên nộp đơn có dụng ý xấu hay không thì còn quá sớm để khẳng định. Tuy nhiên, qua việc này, đài truyền hình có lẽ cũng nên cần tham vấn chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trước khi phát sóng, nhằm tránh những sự thật thà như trên ảnh hưởng đến nhà sáng lập. Khi chương trình thu hút nhiều nhà sáng lập có các sản phẩm liên quan đến các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu… thì việc tham vấn chuyên môn là cần thiết nhằm góp phần vào việc phổ biến pháp luật sở hữu trí tuệ đến rộng rãi công chúng.
Theo Nguyễn Thái Hải Lâm
(*) Luật sư cộng tác tại Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN
(1) Điều 93.1 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
(2) Điều 6.3a Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
(3) Điều 90.2 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
(4) Điều 96.1a và điều 117.1b Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
(5) LS. Phạm Thị Thoa, “Từ “đầu cơ tên miền” đến… “đầu cơ nhãn hiệu”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 8-2-2020.
(6) Quyết định số 2090/QĐ-SHTT ngày 29-6-2018 của Cục Sở hữu trí tuệ.