Ngành dệt - may gia công: Giữa ngã ba đường

(KTSG) – Là một trong những hoạt động công nghiệp đầu tiên của nhiều quốc gia, dệt – may đã trở thành một ngành công nghiệp đại trà, chuyển dịch từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Ngày nay, hai quốc gia nổi bật nhất trong gia công may mặc là Bangladesh và Việt Nam. Mỹ và các quốc gia châu Âu là nơi nhập khẩu thời trang lớn nhất. Nhưng thời vàng son này còn được kéo dài hay đang mất? Hiện tại đang có một số thay đổi khá rõ nét.
Bangladesh cùng với Việt Nam là hai quốc gia nổi bật trong gia công may mặc.
Dệt – may (kể cả giày dép) là một thị trường khổng lồ trên thế giới. Giá trị của nó được ước tính khoảng 1.300 tỉ đô la Mỹ, với số lượng nhân công trên 300 triệu người trên toàn chuỗi sản xuất từ trồng, dệt sợi đến sản xuất(1), chủ yếu tập trung tại các quốc gia đang phát triển như Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam…

Thời vàng son của dệt – may gia công

Là một trong những hoạt động công nghiệp đầu tiên của nhiều quốc gia, trước tiên bằng dệt sợi từ cây địa phương, đến xuất hiện các nghệ nhân thiết kế thời trang và rồi thành lập các xưởng may quy mô lớn, dệt – may đã trở thành một ngành công nghiệp đại trà, chuyển dịch từ các nước phát triển, có mức lương cao đến các nước có mức lương thấp hơn như chúng ta biết ngày nay.

Theo đó, xu hướng chuyên nghiệp hóa và phân chia lao động trên thế giới cũng như sự tách rời dệt và may diễn ra ngày càng rõ rệt. Người ta không còn cần phải tự sản xuất ra vải, kim, chỉ… mới có thể may, mà tất cả những nguyên liệu cũng như phụ tùng đều có thể nhập để chỉ cần may và xuất khẩu.

Ngày nay, hai quốc gia nổi bật nhất trong gia công may mặc là Bangladesh và Việt Nam. Mỹ và các quốc gia châu Âu là nơi nhập khẩu thời trang lớn nhất. Trong thập niên vừa qua, ngoại trừ tại một số ít ỏi cửa tiệm rất đặc biệt thì hầu như người tiêu dùng bình thường, khi đi mua sắm ở các trung tâm thương mại, rất hiếm khi nhìn thấy một mét vải hay một sản phẩm thời trang nào, từ áo, quần, vớ, nón đến giày dép “made in US”, “made in France”. Có thể nói đó là thời vàng son của ngành dệt và may gia công của các quốc gia đang phát triển.

Thời vàng son này còn được kéo dài hay đang mất? Hiện tại đang có một số thay đổi khá rõ nét. Sự thay đổi trước hết xảy ra tại chính những nơi “đặt hàng”, tức chính các nước phương Tây. Tại Pháp, từ đầu năm 2023, các chuỗi cửa hàng thời trang nổi tiếng ở cấp trung bình, trong đó Célio, Gap, Camieu… lần lượt đóng cửa.

Khi người “đặt hàng” thay đổi

Các phân tích về hiện tượng phá sản hàng loạt các thương hiệu thời trang cho rằng có ba lý do chính: (i). cạnh tranh giá rẻ của một số hãng “fast fashion”, tức thời trang nhanh, mặc vài lần rồi vứt; (ii). sự bùng nổ thương mại điện tử; (iii). sự thay đổi ý thức của một bộ phận người tiêu dùng phương Tây khiến họ giảm tiêu thụ.

Hai lý do đầu mang tính thị trường, lý do cuối cùng mới là điều thú vị, vì nó nằm ở một tầm cao khác, tầm của ý thức. Chính nó đã lay động các chính phủ để thúc đẩy ngành dệt may tái cấu trúc sớm hơn và quyết liệt hơn. Sự đổi thay này không đột ngột tự đến, nó đã ngấm ngầm từ ít nhất 10 năm qua do nhiều yếu tố. Báo chí đã giúp minh bạch hóa quy trình sản xuất thời trang, giúp người tiêu dùng tại phương Tây biết rõ hơn về hai điều quan trọng.

Thứ nhất, sự phí phạm và hủy hoại môi trường. Dệt là ngành thứ ba sử dụng nhiều nước ngọt nhất (sau lúa và lúa mì). Không những sử dụng nhiều nước cho sản xuất, ngành này còn gây ô nhiễm nguồn nước vừa do khâu nhuộm vải phải sử dụng phẩm màu và các hóa chất cố định màu cho vải, vừa do giặt giũ áo quần của từng hộ gia đình. Một báo cáo của ADEME (Agence de l’Environnement et de la Maîtrise de l’Energie)(2) ước tính rằng mỗi năm, chỉ riêng việc giặt vải polyester, người ta đã thải 500.000 tấn “microplastique” vào đại dương và các microplastique này lại đi vào môi trường để cuối cùng là nằm trên dĩa thức ăn của con người.

Thứ hai, điều kiện lao động tại các nước gia công. Vào ngày 24-4-2013, tòa nhà Rana Plaza nơi tập trung các xưởng may xuất khẩu lớn nhất tại Bangladesh sụp đổ làm chết 1.320 người và hơn 2.500 người bị thương. Sự kiện chấn động này mở ra hàng loạt cuộc điều tra, tiếp nối nhau để thế giới khám phá ra điều kiện sống và làm việc nhọc nhằn của người lao động tại các nước gia công cho các hãng thời trang của phương Tây. Theo tường trình của Oxfam(3), một tổ chức phi chính phủ, trong giá bán 29 euro của một chiếc áo tại Pháp, người lao động tại các xưởng gia công chỉ hưởng được 0,18 euro!

Thời trang, đặc biệt là “fast fashion”, đang trở thành biểu tượng của sự phí phạm khổng lồ: phí phạm tài nguyên thiên nhiên để sản xuất ra nó, phí phạm ngân sách để xử lý rác thải, xâm hại môi trường vì rác thải không xử lý hết. Tại châu Âu, lượng thời trang (quần áo, giày dép…) vứt đi mỗi năm lên đến 4 triệu tấn. Riêng nước Pháp, 70% số áo quần mua sắm nằm im trong tủ không được mặc đến, thế nhưng mỗi năm mỗi người Pháp vẫn tiếp tục mua 9 ki lô gam và cho đi 3 ki lô gam quần áo!(4)

Xa hơn, có thể nói “fast fashion” là hiện thân của “planned obsolescence” (Kế hoạch đào thải non sản phẩm – phim tài liệu cùng tên) của các doanh nghiệp nhằm mục tiêu rút ngắn vòng đời hầu bán nhanh sản phẩm. Năm 2015, nước Pháp đưa ra luật cấm kế hoạch này, chủ yếu nhắm vào các sản phẩm điện tử.

Trong thời điểm hiện tại, tuy các công ty “fast fashion” không hoặc chưa bị đưa vào danh sách cố tình “đào thải non sản phẩm”, nhưng những thông tin về ô nhiễm cũng như điều kiện, đời sống công nhân đã đủ phổ quát để đánh động lương tâm của một bộ phận người tiêu dùng châu Âu. Chính nó đã làm nảy sinh phong trào chất vấn các thương hiệu “#WhoMadeMyClothes – Ai đã may áo quần của tôi?”. Kết quả là ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang đã tham gia trả lời câu hỏi này.

Châu Âu vào cuộc

Quan trọng hơn, như một dòng chảy tự nhiên, sự phổ quát thông tin này đã làm nên động lực khiến chính phủ tại nhiều quốc gia châu Âu vào cuộc, mở ra con đường mới, thân thiện với môi trường và con người hơn. Nhiều cách thức đang được triển khai để kích thích sự chuyển dòng này. Các nước Bắc Âu, Đức, Ý… đều có những cách làm phù hợp với đặc thù quốc gia, nhưng ở đây xin được ghi lại một trường hợp cụ thể là nước Pháp.

Đầu tiên, Chính phủ Pháp buộc các tổ chức môi trường và các hệ thống tư nhân của ngành thời trang phải xây dựng tiêu chí môi trường để thực hiện “kinh tế tuần hoàn”, trước mắt là bằng cách mở các điểm thu gom thời trang cũ trên toàn lãnh thổ cho mục tiêu tái chế. Dẫu tái chế thời trang chỉ là phương cách mang tính cục bộ của kinh tế tuần hoàn, nó đã là bước đầu giúp giảm rác thải vải và phụ kiện. Từ năm 2009 đến nay nước Pháp đã có gần 45 điểm thu gom quần áo cũ.

Song song, chính phủ nước này khuyến khích người dân giảm tiêu thụ thời trang, một cách làm khá “lạ lẫm” đối với một nền kinh tế thị trường cần tăng trưởng! Các trang web chính thức của chính phủ liên kết với các hội đoàn, cá thể vào cuộc để dạy miễn phí cách Re-fashion, style-up (nâng cấp), vá lại quần áo, giày dép hỏng…

Ngạc nhiên hơn, vào tháng 6-2023 vừa qua, nước Pháp đã thông qua một ngân sách 154 triệu euro cho giai đoạn 2023-2028 để tài trợ cho những ai muốn sửa lại quần áo, giày dép cũ thay vì đi mua mới. Từ tháng 10-2023, định mức tài trợ sẽ rất cụ thể, ví dụ như người dân sẽ được trả 7 euro để sửa lại một đế giày, 10-25 euro để sửa lại lớp lót áo vest hay áo choàng…

Để thu hút sự tham gia của người dân, chính phủ tìm cách tạo sự dễ dàng về hành chính, bằng cách cho phép tất cả các tiệm sửa chữa trừ ngay tại chỗ số tiền giúp đỡ này vào lúc khách hàng thanh toán. Động thái can thiệp vào thị trường ở cấp quốc gia như vậy cho thấy việc thúc giục thay đổi ý thức tại châu Âu đã cấp thiết ra sao.

Ngoài ra, nhiều trung tâm, trong đó Viện nghiên cứu dệt và thời trang lớn nhất của Pháp (Institut Français du Textile et de l’Habillement – IFTH) xem việc mang ngành dệt – may trở lại lãnh thổ quốc gia (le “made in France”) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, các công ty của họ cũng đang chuẩn bị cho con đường mới, với quy trình sản xuất bắt buộc phải tính đến chi phí môi trường cũng như điều kiện đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động.

Tuy nhiên, dẫu sự biến chuyển trên là mạnh mẽ và sâu sắc, nó chưa thể ngay tức khắc lan khắp cùng mọi xã hội, khắp mọi nơi trên thế giới, vì vốn dĩ xã hội nào cũng có dạng ý thức và hành động riêng, tùy thuộc vào thời gian từng cá nhân dành cho điều gì là chủ yếu trong cuộc sống của họ. Như vậy có thể sẽ vẫn còn tồn tại và phát triển một số thương hiệu fast fashion, nhưng thói quen mua sắm áo quần, giày dép chất đầy tủ đầy nhà chưa bao giờ bị lên án như lúc này tại châu Âu.

Cùng với vận tốc khai thác đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hiện tại, việc thay đổi trong ngành dệt – may về hướng kinh tế tuần hoàn – tức không chỉ là khâu tái chế mà từ ngay công đoạn trồng cây, dệt sợi, sản xuất vải và thiết kế thời trang – là xu hướng bắt buộc. Nhìn chung thì người ta có thể có cảm giác nó xảy ra chậm, nhưng nó khó có thể đảo chiều.


Cao Xuân Dung
Theo TheSaigontimes
0 Nhận xét