Người bán hàng F&B đang ở vị thế "bánh kẹp" khi người tiêu dùng để ý hơn tới các ưu đãi trong bối cảnh thu nhập giảm, còn chi phí bán hàng trên các nền tảng Food Delivery lại tăng. Ngành F&B sẽ phải quay trở lại giá trị cơ bản, cắt máu làm khuyến mãi không thể tồn tại lâu dài, Phó Tổng Giám đốc cấp cao MoMo nhận định.
Ông Nguyễn Hoành Tiến – Phó Tổng Giám đốc cấp cao MoMo |
Sóng ngầm F&B
"Khả năng chi trả của khách hàng sẽ ngày càng yếu hơn trong thời gian tới, gây sức ép lên câu chuyện chi tiêu và giảm giá", ông Nguyễn Hoành Tiến – Phó Tổng Giám đốc cấp cao MoMo – nhận định.
Trước khi về MoMo, ông Tiến từng giữ vị trí Phó Chủ tịch VNG và CEO Seedcom - công ty sở hữu các thương hiệu The Coffee House, Juno, Hnoss, Kingfoodmart, Scommerce (Giao hàng Nhanh, Ahamove), Haravan…
Chia sẻ tại sự kiện "Sóng ngầm F&B", ông Tiến cho biết các chỉ số vĩ mô đang ảnh hưởng nhiều tới ngành F&B, trong bối cảnh tăng trưởng GDP giai đoạn này không dễ dàng, dự kiến chỉ tăng trưởng hơn 5% trong năm 2023.
GDP ảnh hưởng đến ngành F&B như thế nào? Ông Tiến cho biết trong giai đoạn này, đầu tư công đang là động lực tăng trưởng, song những yếu tố liên quan đến tiêu dùng, xuất siêu lại đang yếu trong nền kinh tế.
"Điều này có nghĩa là người dân có ít tiền để tiêu hơn. Thêm vào đó, tăng trưởng GDP chậm lại cũng chứng tỏ số việc làm giảm đi, khoản tiền tổng khách hàng có thể chi tiêu trên thị trường sẽ giảm xuống", ông Tiến nhận định.
Ngành F&B buộc phải quay trở lại giá trị cơ bản
Khảo sát của Decision Lab với câu hỏi "Phần nào trong ví tiêu dùng của bạn đã tăng lên", chỉ khoảng 15% người nói có chi tiêu tăng cho nhà hàng và cà phê, thấp hơn mức trung bình. Trong khi đó, 29% người được hỏi nói rằng tăng chi tiêu cho hàng tươi sống - cao nhất trong số các sản phẩm tiêu dùng.
Khảo sát thực hiện từ tháng 3 đến tháng 5/2023, đối tượng hỏi là người tiêu dùng. Tức, kết quả khảo sát đại diện cho góc nhìn của khách hàng, chứ không phải từ một nghiên cứu vĩ mô. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng dịch chuyển từ tiêu tiền cho nhà hàng, cà phê sang các sản phẩm thiết yếu hơn liên quan đến thực phẩm, ăn uống.
"Chúng ta đều biết khi khách hàng chọn ăn ngoài vì ăn ngoài món ăn đa dạng hơn, có thể ngon hơn nhất là đối với nhiều người không biết nấu ăn hoặc không có thời gian nấu ăn. Như vậy, việc giảm chi tiêu ăn uống bên ngoài chỉ có thể là liên quan đến tiền bạc. Khi thu nhập khách hàng thấp đi, khách hàng không thấy ưu đãi giảm giá thì không đi ăn nhà hàng, quán cà phê để giảm chi phí", ông Tiến cho biết.
Như vậy, ở góc độ người kinh doanh F&B, việc trông chờ nền kinh tế tốt lên như một động lực để tăng trưởng kinh doanh là rất khó. Các doanh chủ phải tự tìm lấy cơ hội và tự tìm cách điều chỉnh, thay vì trông đợi vào các yếu tố bên ngoài. Ông Tiến cho biết, doanh nghiệp F&B giờ cần quay lại giá trị cơ bản của khách hàng.
"Làm sao chất lượng đồ ăn tốt, và rất nhiều chuyện Tiện - Lợi bao gồm cả địa điểm, ví như đặt ở khu vực nào, làm sao khách hàng tiếp cận được mình, kênh của mình tiếp xúc với khách hàng ở đâu… Các giá trị cơ bản của ngành ăn uống trước giờ vẫn vậy. Việc đuổi theo sự tăng trưởng rất nhanh chóng thực sự không quá tốt ở thời điểm bây giờ", ông Tiến chia sẻ.
"Khách hàng muốn khuyến mãi, nhưng cắt máu làm khuyến mãi không thể tồn tại lâu dài"
Bên cạnh đó, người bán hàng F&B đang ở vị thế "bánh kẹp" khi người tiêu dùng để ý hơn tới các ưu đãi trong bối cảnh thu nhập giảm, còn chi phí bán hàng trên các nền tảng Food Delivery lại tăng.
"Khách hàng muốn khuyến mãi, nhưng cắt máu làm khuyến mãi không thể tồn tại lâu dài", Phó Tổng Giám đốc cấp cao MoMo nhấn mạnh.
Người bán hàng F&B đang ở vị thế "bánh kẹp": Người tiêu dùng để ý hơn tới các ưu đãi trong bối cảnh thu nhập giảm, trong khi chi phí bán hàng trên các nền tảng Food Delivery lại tăng.
"Chúng ta phải làm sao để có thể khuyến mãi thông minh, tức tập trung vào khách hàng cũ nhiều hơn. Khách hàng cũ là nhóm mang lại nhiều lợi nhuận nhất, là nhóm đang trung thành với mình và mình cần phục vụ tốt để họ quay trở lại. Bên cạnh đó, cần tính làm sao kéo được khách hàng mới ở khu vực lân cận - yếu tố tiện lơi vẫn rất quan trọng với khách hàng".
Ông Tiến cũng cho rằng các doanh chủ cần tìm kiếm thêm kênh bán hàng hiệu quả hơn, trong bối cảnh chi phí bán hàng trên các nền tảng Food Delivery tăng ở mức "rất khó tiếp tục".
Một gợi ý ông Tiến đưa ra là các doanh nghiệp F&B có thể phối hợp với các nhãn hàng đồ uống - vốn cũng đang gặp khó trong việc tiếp cận khách hàng - khuyến mãi tại quán. Những cuộc kết hợp như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp F&B có thêm thu nhập, đồng thời cũng là cách thu hút khách hàng.
Ngoài ra, một kênh giao tiếp rất hiệu quả với khách hàng là thanh toán qua QR Code vẫn chưa được khai thác triệt để.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, 80% khách hàng đến chúng ta có khả năng nhận diện được bằng công nghệ. Chúng ta có thể dùng phương thức này như cơ hội để giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới xung quanh kênh thanh toán. Tôi cho đây là cơ hội rất tốt để chúng ta có thể tiếp xúc lại với khách hàng trên kênh hoàn toàn số, với chi phí thấp hơn các kênh mang tính chất offline", ông Tiến chia sẻ thêm.
Bổ sung thêm những dự báo của mình về ngành F&B, Phó Tổng Giám đốc MoMo nói vui rằng người ta thường nói nhà kinh tế học là người luôn có lời giải thích tại sao dự đoán hôm qua của mình không chính xác. Ông Tiến khuyến khích người nghe có cách tiếp cận thông tin tương tự MoMo - nhìn vào số liệu và đưa ra dự đoán, nhận định của riêng mình.
Theo Bảo Bảo
Theo An ninh Tiền tệ