Vụ việc vừa qua liên quan thẻ tín dụng của Eximbank thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Trong diễn biến mới nhất liên quan vụ vay thẻ tín dụng 8,5 triệu, gần 11 năm sau mang nợ xấu 8,8 tỷ đồng, phía Eximbank cho biết ngân hàng "lấy làm tiếc". Thông tin chính thức tại họp báo cung cấp thông tin do Ban Tuyên giáo Thành ủy - Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM chiều 21/3, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, trong vụ việc lần này cán bộ xử lý nợ của ngân hàng đã rất máy móc, không theo quy trình.
Ông Vũ cho biết ngân hàng đã tích cực làm việc với khách hàng. Ngày 19-3, đại diện của Eximbank đã gặp gỡ với khách hàng. Eximbank cùng với khách hàng trao đổi thẳng thắn, trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ, thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi của đôi bên trong thời gian sớm nhất.
Vụ việc vừa qua khiến nhiều người hoang mang bởi số nợ quá lớn xuất phát từ khoản vay nhỏ và không rõ ràng. Theo khảo sát của YouNet Media dựa trên 84.300 lượt thảo luận liên quan vụ thẻ tín dụng của Eximbank (trong vòng 7 ngày, tính từ ngày 13 - 19/3/2024) thì có đến 45.100 là thảo luận công khai thể hiện thái độ tiêu cực, chỉ trích sự việc của ngân hàng (chiếm đến 53,46% tổng thảo luận). Có tới 43,35% thảo luận là giữ thái độ trung lập trước sự việc trên.
Dựa trên các con số thu thập được, YouNet Media nhận địn vụ thẻ tín dụng Eximbank là khủng hoảng truyền thông mạng xã hội lớn thứ 2 trong ngành ngân hàng kể từ năm 2023 đến nay.
Nguồn: YouNet Media |
Trong số hơn 45.000 thảo luận thể hiện sự tiêu cực có đến 16,9% thảo luận bày tỏ sự bức xúc với ngân hàng Eximbank như "ngân hàng cho vay nặng lãi".
Đáng chú ý, có tới hơn 9% thảo luận kêu gọi mọi người kiểm tra thẻ, hủy thẻ tín dụng nếu không còn sử dụng vì lo sợ "bỗng dưng thành con nợ".
Nguồn: YouNet Media |
Ngoài ra, nhiều khách hàng (chiếm 5,56%) còn kể lại về những trải nghiệm không tốt với ngân hàng Eximbank. Chưa dừng lại ở đó, có tới gần 1,9% số người tham gia thảo luận kêu gọi tẩy chay Eximbank.
Không những thế, người dùng còn có xu hướng cẩn trọng hóa trong việc mở thẻ tín dụng nói riêng khi có tới 1,57% thảo luận bày tỏ mất niềm tin vào thẻ tín dụng vì lo sợ thành 'con nợ bất đắc dĩ'.
Nguồn: YouNet Media |
Như đã đưa tin, ông Phạm H.A. có nhờ nhân viên tên G. làm việc tại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh làm cho một thẻ tín dụng, nhưng thực tế sau đó không được nhận thẻ tín dụng này.
Thời điểm đó, nhân viên tên G. đưa cho ông A. hồ sơ mở thẻ để ký và khoảng 1-2 tuần sau thì gọi ông ra trụ sở chi nhánh, nhưng lại không vào trong mà yêu cầu ông A. đứng ở ngoài cửa để G. ra và đưa cho hồ sơ nhận thẻ để ký. Khi ông A. ký xong, G. có đưa cho thẻ ngân hàng thường. Đồng thời nói thêm vì lương của ông A. được khoảng 5 triệu đồng đang thấp quá nên phải xin thêm ý kiến sếp, khả năng là được và hẹn sẽ liên lạc lại. Nhưng sau đó người này cũng không liên lạc lại nữa.
4 năm sau (đến năm 2017), do có nhu cầu vay vốn, khi đến ngân hàng ông A. mới tá hỏa khi được thông báo bản thân đang có nợ xấu tại Eximbank. Ngay sau đó, ông A. đã chủ động đến chi nhánh Eximbank Quảng Ninh để xác minh và Ban giám đốc chi nhánh ngân hàng thông báo trách nhiệm là của ông Phạm H.A. vì đã ký nhận thẻ.
Khi ông A. hỏi tại sao khi phát sinh lãi và nợ lãi lại không thông báo cho ông ngay và trong hồ sơ mở thẻ tại sao lại có thêm một số điện thoại không phải của ông thì phía ngân hàng trả lời có liên lạc theo số điện thoại không phải của ông và không liên lạc được. Ông A. cũng đặt câu hỏi tại sao không liên lạc bằng số điện thoại còn lại mà ông vẫn đang dùng thì ngân hàng không trả lời được…
Cũng theo ông A., vào thời điểm đó, ông cũng đã đưa ra phương án chấp nhận trả lại tiền gốc 10 triệu đồng trong thẻ tín dụng và nộp thêm 10 triệu đồng nữa gọi là phí phạt, mặc dù số tiền này bản thân không hề được tiêu và cũng không biết có sự tồn tại của thẻ tín dụng này, tuy nhiên phía ngân hàng không đồng ý.
Qua nhiều cuộc làm việc, 2 bên không thống nhất được phương án và đến cuối năm 2023, tổng số nợ mà ngân hàng yêu cầu ông Phạm H.A. phải trả lên tới hơn 8,83 tỉ đồng.
Theo PV
Theo Nhịp sống thị trường