Có lẽ đã đến lúc Microsoft nên cân nhắc một chiến lược khác cho hệ điều hành Windows của mình.
Cho dù Microsoft đã công bố kế hoạch ngừng hỗ trợ Windows 10 từ tháng 10 năm 2025, bên cạnh đó là hàng loạt động thái thúc đẩy việc nâng cấp lên Windows 11, nhưng dường như người dùng vẫn không mấy mặn mà với hệ điều hành mới này. Theo những số liệu mới nhất từ Statcounter, Windows 10 không những không mất thị phần mà còn tăng trưởng, vượt qua mốc 70% lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023.
Số liệu tháng 4 cho thấy thị phần Windows 10 đã tăng 1% để đạt 70,1% thị phần cho người dùng Windows. Đồng thời, thị phần của Windows 11 giảm nhẹ xuống còn 25,69%, cho thấy sự gia tăng của Windows 10 trực tiếp gây thiệt hại cho Windows 11.
Thống kê cho thấy thị phần Windows 10 đang tăng lên trong khi Windows 11 lại giảm xuống. |
Sự "trung thành" bất ngờ này với Windows 10, một hệ điều hành đã có tuổi đời lên tới chín năm, khiến nhiều người ngạc nhiên. Đặc biệt, trong khi Windows 11 đã bước sang tuổi thứ ba và được kỳ vọng sẽ thay thế đàn anh già nua của mình bằng các tính năng mới, giao diện hiện đại hơn và những cải tiến về chất lượng cuộc sống.
Điều này cho thấy Windows 11 dường như đang mất dần sức hút giữa chu kỳ phát triển của mình, một hiện tượng khá bất thường so với những phiên bản Windows trước đây, thường chỉ bắt đầu thấy giảm sự quan tâm khi có hệ điều hành kế nhiệm.
Một trong những nguyên nhân được cho là khiến Windows 10 vẫn giữ được sức hút là do sự gia tăng của các máy tính đã qua sử dụng được bán lại với Windows 10 cài sẵn. Những máy tính này, mặc dù cũ nhưng vẫn còn hiệu quả với cấu hình tốt như 16GB bộ nhớ và ổ cứng SSD, được bán với giá rất hấp dẫn, thu hút người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp có nhu cầu cơ bản.
Dẫu vậy, cần lưu ý rằng các con số từ Statcounter không hoàn toàn chính xác 100% vì chúng dựa trên phân tích thiết bị trên thị trường chứ không trực tiếp từ Microsoft. Dù vậy việc một hệ điều hành mới như Windows 11 để mất thị phần vào tay một hệ điều hành không nhận được bản cập nhật mới nào cũng là điều đáng ngạc nhiên.
Tuy vậy, với những người hâm mộ công nghệ điều này lại tương đối dễ hiểu. Kể từ khi ra mắt, Windows 11 đã là một hệ điều hành gây chia rẽ kể từ khi ra mắt, bao gồm các yêu cầu khắt khe về phần cứng và thay đổi giao diện người dùng theo cách mà mọi người không đánh giá cao. Microsoft có thể nhận thấy việc bổ sung trợ lý Copilot AI sẽ giúp họ thay đổi cục diện một chút, nhưng điều đó dường như không giúp ích gì nhiều để lật ngược tình thế.
Theo Nguyễn Hải
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn