Biến động 60 năm của ngành cà phê thế giới qua một video

Hành trình vỏn vẹn 8 năm khởi đầu là "tân binh" trong ngành sản xuất cà phê đã đưa Việt Nam thực hiện những cú "nhấn ga" thần tốc lên vị trí nhì bảng và giữ vững phong độ tới bây giờ. Tuy ở vị thế cao, song ngành cà phê Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước trong tương lai.

Thống kê của RankingRoyals xếp hạng nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới

Theo thống kê của RankingRoyals xếp hạng vị trí top các nước sản xuất cà phê lớn nhất trên thế giới từ năm 1961 tới năm 2022, với loại cà phê thống kê chủ yếu là Arabica khi loại cà phê này chiếm 60-70% lượng cà phê xuất khẩu trên thế giới.

Bắt đầu kể từ năm 1992, Việt Nam lần đầu lọt top, đứng ở vị trí 13 khi đã sản xuất ra 123 nghìn tấn cà phê. Sang tới năm 1993, Việt Nam chính thức đưa tên mình vào top 10 với 150 nghìn tấn cà phê được sản xuất. Chỉ trong năm 1994, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên vị trí là nước sản xuất cà phê đứng thứ 7 với 218 nghìn tấn cà phê.

Tới năm 1996, Việt Nam đã "ngấp nghé" top 3 khi sản xuất 406 nghìn tấn cà phê. Chỉ sau 2 năm, Việt Nam đã "vượt mặt" Indonesia khi sản xuất 535 nghìn tấn cà phê và chính thức lọt vào top 3 các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.

Sang tới năm 1999, Việt Nam chính thức là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới với 601 nghìn tấn cà phê và giữ vị trí đó từ sau tới nay khi chỉ đứng sau nước Brazil. Có thể nói, hành trình vỏn vẹn 8 năm đã đưa Việt Nam thực hiện những cú "nhấn ga" thần tốc lên vị trí nhì bảng với khởi đầu là "tân binh" trong ngành sản xuất cà phê.
Với ưu đãi do mẹ thiên nhiên ban tặng, chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã chứng tỏ được sức cạnh tranh trên bản đồ thế giới. Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng sức mạnh nền kinh tế và truyền bá đặc sản cà phê tới bạn bè quốc tế.

Theo số liệu xuất khẩu cà phê từ Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 579.449 tấn cà phê, đạt 1,93 tỷ USD. Sản lượng tăng 4,9% nhưng giá trị tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ nhờ giá xuất khẩu tăng cao.

Những thách thức của cà phê Việt Nam trong tương lai

Trong đó, cà phê Robusta được xuất khẩu nhiều nhất với 515.164 tấn, kim ngạch trên 1,57 tỷ USD; còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 16,474 tấn, kim ngạch trên 69,27 triệu USD. Đối với cà phê rang xay và hòa tan, xuất khẩu khoảng 35.853 tấn, đạt kim ngạch trên 246,41 triệu USD.

Sự ưu thế của dòng Robusta xuất khẩu so với Arabica khiến Việt Nam giảm tính cạnh tranh bởi thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại mạnh dòng Robusta.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: "Chúng ta muốn định vị lại vị trí trên bản đồ cà phê thế giới phải xác định phát triển dòng Arabica hay vẫn theo Robusta, hay phối trộn 2 dòng này lại?".

Dù đứng thứ 2 thế giới về sản xuất cà phê nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Ông Hoan đặt ra câu hỏi: "Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới?"

Vì thế, thách thức với Việt Nam trong việc nâng tầm giá trị cà phê Việt là phải tạo được thương hiệu có sức hút và có tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Ông Hoan cho rằng, cần phải xây dựng cà phê đi từ cảm xúc gắn với văn hóa vì với ông, cà phê là một nét văn hóa. Các doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, biết kể câu chuyện để gieo cảm xúc vào người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cà phê thô trong khi thế giới đã làm được rất nhiều thứ với cà phê, chứ không chỉ là thức uống thường ngày. Việt Nam còn rất nhiều không gian để tiếp tục khai thác và tạo ra giá trị từ cà phê.

Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng cà phê thu hoạch ở Việt Nam. Khí hậu thất thường khiến những người dân trồng cà phê liên tục gặp nhiều khó khăn.

Theo Bloomberg, điều kiện trồng trọt khắc nghiệt hơn đã khiến nhiều nông dân Việt Nam đặt dấu hỏi về giá trị cà phê và lợi nhuận mang lại. Nhiều nông dân đã thay thế cà phê bằng hồ tiêu và sầu riêng. Điều này khiến nguồn cung giảm, đẩy giá cà phê Robusta năm nay lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Và nhiệt độ tăng đồng nghĩa với việc sản lượng cà phê trong tương lai cũng sẽ giảm.

Thanh Huyền
Theo Đời sống Pháp luật
0 Nhận xét